(Xây dựng) - Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo Thanh Sen tại xã Phúc Trạch, (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xuống cấp nên được gỡ bỏ để sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, quá trình thi công cầu chậm khiến người dân phải tự vượt sông bằng bè phao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cầu treo Thanh Sen đang được sửa chữa, nâng cấp. |
Cầu cũ gỡ bỏ - cầu mới chưa xong
Cầu Thanh Sen nối liền các xóm của thôn Thanh Sen 2 và Thanh Sen 3 thuộc xã Phúc Trạch, tới đây sẽ nằm trên tuyến đường liên xã của huyện Bố Trạch, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của người dân xã Phúc Trạch với thị trấn du lịch Phong Nha. Sau nhiều năm sử dụng, cầu Thanh Sen đã xuống cấp nghiêm trọng nên được gỡ bỏ để sửa chữa, xây dựng thành cây cầu mới, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng khi thấy cây cầu Thanh Sen mới xây dựng thì người dân phải chịu cực, khi thường trực tự vượt sông bằng bè phao, vì công trình thi công chậm.
Bà Trần Thị Hiền (thôn Thanh Sen 3, xã Phúc Trạch) cho biết, lâu nay người dân địa phương đi lên xã Phúc Trạch hay ngược về thị trấn Phong Nha thường chỉ đi qua cây cầu Thanh Sen vì thuận tiện. Để sửa chữa cầu, đơn vị thi công đã gỡ bỏ cây cầu cũ. Họ không mở con đường dẫn tạm thời để dân qua lại. Con đường tạm là bè phao đặt dưới lòng sông Son, do người dân tự điều khiển kéo qua lại. Vì thế khi xảy ra mưa lớn, nước sông dâng cao là không di chuyển được, vì sẽ bị cuốn đi.
“Khi nghe thông tin huyện đầu tư kinh phí, cho làm lại cây cầu treo mới, bà con chúng tôi vui mừng lắm. Thế nhưng, việc phá bỏ cây cầu cũ trong khi đường tạm lại được đặt dưới lòng sông cũng khiến việc đi lại hạn chế. Mùa mưa năm 2021, nước sông dâng cao, chảy xiết, người dân khi có việc đột xuất muốn qua lại cũng không dám, vì sợ thuyền bè bị cuốn trôi. Họ làm vậy không biết bao giờ cây cầu này mới xong, còn ít tháng nữa là mùa mưa 2022 đến rồi”, chị Phạm Thị Thương (thôn Thanh Sen 3, xã Phúc Trạch) chia sẻ.
Các em học sinh chật vật tự qua sông để đến trường. |
Mỗi ngày, 3 chị em Phạm Tuấn Anh (lớp 1A, trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch) lại tất tả kéo bè phao “vượt sông” từ 4-5 lần để đến trường theo đuổi việc học. Thế nên, chỉ khi cây cầu treo Thanh Sen xây xong, chị em Tuấn Anh mới được đạp xe bon bon mà không gặp trở ngại nào. Đó là niềm mong mỏi chung của các bạn học sinh cũng như người dân nơi đây.
“Trời nắng hay mưa thì chúng cháu cũng vượt sông bằng bè phao để có thể đến trường đúng giờ. Khi có người thân, người lớn đi cùng thì họ sẽ kéo dây điều khiển bè vượt qua sông. Lúc mà không có người lớn, thì học sinh chúng cháu phải tự điều khiển bè để đi lại. Chúng cháu chỉ mong cầu treo làm xong sớm, để đạp xe đến trường nhanh và an tâm”, em Phạm Thị Hải Yến (lớp 3B, trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch) nói.
Cuối năm sẽ hoàn thành?
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trong ngày 8/5, tại công trình chỉ có khoảng 6 thợ hàn đang hàn tăng cường sườn trụ tháp đảm bảo chống xoắn, thay mới hệ thống Puly để đảm bảo phù hợp với cáp chủ và tẩy gỉ để sơn lại trụ tháp 3 lớp… Hiện, cầu Thanh Sen tận dụng mố neo cáp chủ hiện có và đổ bổ sung bê tông cốt thép M250 đá 1x2 để liên kết với hệ neo mới và chưa có đường dẫn nối lên cầu.
Dự án sửa chữa công trình cầu treo Thanh Sen, xã Phúc Trạch do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đối ứng ngân sách của huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Kỹ thuật Tân Quang (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) với giá hợp đồng xây lắp là 2 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 10/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Quy mô công trình cầu treo dân sinh bán vĩnh cửu được nâng cấp trên hệ thống khung xương cầu Thanh Sen trước đây, tổng chiều dài cầu khoảng 100m; khổ cầu K=1,5m.
Theo chủ đầu tư, về hiện trạng, cầu treo cũ gần như các thiết bị đều xuống cấp, thi công chưa đúng quy trình, trong thời gian dài sử dụng bị mưa bão xô lệch. Phải tiến hành kiểm định chất lượng công trình trước lúc tháo dỡ, để có cơ sở thiết kế khi sửa chữa, nâng cấp.
Việc cầu Thanh Sen thi công kéo dài nguyên nhân từ việc cần thẩm tra thiết kế, tăng hệ số an toàn cho công trình. Sau khi khởi công cần nhiều thời gian để dỡ bỏ toàn bộ bản mặt cầu, hệ lan can tay vịn; tháo dỡ hệ dầm ngang, dầm dọc, giằng chéo bằng thép và hệ dây treo, kẹp cáp cũ…
Cuối năm 2021, thời tiết không thuận lợi nên việc cắt, hàn gá lắp các chi tiết ở trên cao bằng điện, đơn vị thi công không thể thực hiện vì sẽ gây mất an toàn lao động. Một hạng mục quan trọng là hệ cáp D36mm để thay thế cáp chủ trước đây hiện rất khan hiếm khi đặt mua trên thị trường. Đến đầu tháng 5, nhà thầu mới nhập về được số lượng cáp chính này. Hiện, vật tư, thiết bị cần thiết đã tập kết đầy đủ tại chân công trình.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch cho biết: Đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã triển khai thi công xong phần móng mố neo cầu. Đơn vị đang thi công phần thân trụ cầu và phần thân móng neo cầu, lắp và thử tải hệ cáp chủ. Khối lượng thi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 50% giá trị gói thầu.
Thời gian tới, Ban sẽ đôn đốc đơn vị thi công thực hiện cam kết về tiến độ thi công với chủ đầu tư về thời gian thực hiện thi công hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng xong trước tháng 9/2022.
Nhất Linh
Theo