(Xây dựng) - Sau những ngày trầm lắng, hiện du lịch Quảng Bình có tín hiệu phục hồi khá, hướng đến tái ổn định và đảm bảo là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đảm bảo đủ cho thị trường khách nội địa. |
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Bình, tại thời điểm trung tuần tháng 4/2020 cho thấy: Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành buộc phải hoạt động cầm chừng, hàng nghìn người lao động phải tạm nghỉ không lương.
Ước tính hết quý I/2020, lượng khách du lịch đến Quảng Bình giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hành khách, hàng hóa, phương tiện hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh giảm sâu, nhiều tuyến cố định liên tỉnh đã phải tạm ngừng hoạt động. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và luân chuyển hàng hóa, đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, thu nhập và đời sống nhân dân.
Dự kiến đến hết tháng 4/2020, số thu ngân sách toàn tỉnh ước thực hiện chỉ đạt 1.750 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán địa phương giao.
Nhiều sản phẩm du lịch ở Quảng Bình sẽ được giảm giá từ 20%-50%. |
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch mới để phục hồi và phát triển ổn định ngành du lịch tỉnh nhà.
Sau đó, khi tình hình dịch Covid-19 trên toàn quốc dần được kiểm soát, Chính phủ quyết định ngừng giãn cách xã hội và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Là địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm, Quảng Bình hiện được đánh giá là điểm đến an toàn trên toàn quốc. Do đó, trong dịp lễ 30/4, 1/5, nhiều du khách đã tìm đến Quảng Bình.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ: Trong 4 ngày lễ, đơn vị đã đón và phục vụ 5.941 lượt khách tham quan, trong đó, khách quốc tế đạt 891 lượt. Số lượng khách giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, với những khó khăn phải khắc phục sau dịch Covid-19, đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Do nhu cầu đến tham quan và nghỉ dưỡng tăng cao trong các ngày nghỉ lễ, công suất phòng tại nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cũng tăng đột biến.
Theo thông tin từ Sở Du lịch, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, Quảng Bình đã đón khoảng 35.000 lượt khách, giảm khoảng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1.000 lượt khách, giảm gần 93% so với cùng kỳ. Khách du lịch chủ yếu là khách nội tỉnh, Hà Nội và một số địa phương lân cận, sử dụng phương tiện xe cá nhân. Khách du lịch quốc tế là khách đã đến Việt Nam từ trước, ở các tỉnh thành khác đến Quảng Bình du lịch. Khách du lịch có khả năng chi tiêu khá cao, sử dụng các dịch vụ khách sạn, resort từ 3 sao trở lên.
Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Với các chính sách kích cầu và sự phục hồi nhanh chóng của các loại hình phương tiện vận tải, ngành du lịch Quảng Bình có những tín hiệu tăng trưởng đáng ghi nhận. Hiện, Sở Du lịch đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND giảm 50% phí tham quan các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 và chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu với nhiều chính sách ưu đãi cùng các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa với chủ đề Quảng Bình - điểm đến hấp dẫn, an toàn và khác biệt.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều gói kích cầu, giảm giá để thu hút khách du lịch nội địa như Công ty TNHH một thành viên Chua Me Đất giảm giá sản phẩm Chinh phục Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới từ 3.000 USD/khách về 2.500USD/khách và giảm 20% giá các sản phẩm còn lại. Các công ty lữ hành khác và các đơn vị kinh doanh khách sạn cũng đưa ra nhiều gói sản phẩm có giá ưu đãi với mức giảm từ 20%-50% giá niêm yết.
Nhất Linh - Uyên Uyên
Theo