Thứ năm 26/12/2024 23:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Quảng Bình: Dân chủ trong việc cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông Long Đại

21:45 | 16/04/2017

(Xây dựng) – Vừa qua, trong ngày 15/4, tại UBND xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến dân cư thôn Kim Sen về việc nên hay không nên cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông cho HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vật liệu Thống Nhất (thôn Phú Cát – xã Lương Ninh); đồng thời kiến nghị dẹp bỏ và xử lý vi phạm các doanh nghiệp (DN) tự ý lập trạm thu phí “trấn lột” tàu thuyền.


Vô số tàu thuyền hút cát của cư dân địa phương.

Dân chủ trên lĩnh vực nóng

Thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Quy chế dân chủ ở cấp cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng. Trên cơ sở “dân biết; dân bàn; chính quyền quyết định”.

Ông Ngô Đình Thăng, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Quảng Ninh chủ trì cuộc họp. Chính quyền xã và đông đảo nhân dân địa phương tham dự, cho ý kiến.

Vấn đề cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông Long Đại thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Bình; UBND huyện Quảng Ninh không có quyền ra quyết định nên việc lấy ý kiến dân cư thôn Kim Sen là quan trọng và cần thiết. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, một số DN được cấp phép khai thác mỏ đã tự ý lập trạm thu phí “trấn lột” lệ phí của các tàu thuyền khác. Một số DN và người dân khác khai thác tài nguyên khi chưa có giấy phép.

Thông báo kết luận của UBND huyện Quảng Ninh số 90 ngày 11/4/2017 cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện công tác khai thác cũng như quản lý tài nguyên được chú trọng. Tuy nhiên, tại địa bàn xã Trường Xuân, việc quản lý vấn đề hoạt động khai thác tài nguyên chưa được ổn định; còn tình trạng lấn chiếm đất, khai thác trái phép cát sỏi lòng sông của DN và người dân, đề nghị HTX Thống Nhất chấm dứt ngay hoạt động khai thác trái phép; hoàn thiện hồ sơ và xúc tiến để sớm được cấp phép khai thác. Khi được UBND tỉnh cấp phép đi vào hoạt động thì HTX Thống Nhất phải tiến hành đánh giá tác động môi trường, có biện pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan.


Cận cảnh một tàu hút cát của người dân.

Các công ty được cấp phép gồm: Công ty Xây dựng Lương Ninh, Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiền Ninh (Cty Hiền Ninh) và Công ty TNHH Xây dựng Ngô Anh Tuấn(Cty Ngô Anh Tuấn), đều có trụ sở tại huyện Quảng Ninh, phải dẹp bỏ trạm thu phí tự phát và chịu trách nhiệm trước hành vi sai phạm.

DN đòi cấp phép, dân cư phản ứng

Theo báo cáo của Phòng TNMT huyện Quảng Ninh: HTX Thống Nhất là tổ hợp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng liên kết với Công ty Xây dựng Lương Ninh và Cty Ngô Anh Tuấn trong hoạt động khai thác mỏ lòng sông. Cty Ngô Anh Tuấn yếu về thực lực vì chỉ được khai thác trong phạm vi 2ha nên có ý định chuyển nhượng lại cho Cty Hiền Ninh. Đông đảo cư dân không đồng tình vì có cổ phần ở trong đó nhưng vẫn bị chuyển nhượng. Với phương châm tận thu các khoản lợi nhuận từ khoáng sản trong và ngoài điểm mỏ được cấp, Công ty Xây dựng Lương Ninh, Cty Hiền Ninh và Cty Ngô Anh Tuấn đã bắt tay lập nên trạm thu phí tự phát ở phía Nam sông Long Đại, thu phí khoáng sản các tàu thuyền khai thác trái phép trên sông với mức 30 nghìn đồng/m3 cát và 40 nghìn đồng/m3 sạn. Ngay cả HTX Thống Nhất lúc này cũng bị thu phí khoáng sản từ 3 triệu – 10 triệu/tháng khi khai thác cát sỏi trong phạm vi được cấp phép của 3 Công ty trên.

Bị chèn ép, nảy sinh mâu thuẫn trong khâu sản xuất kinh doanh, HTX Thống Nhất đã gửi hồ sơ xin được cấp mỏ riêng về UBND tỉnh nhưng chưa thu được kết quả như ý. Bất mãn, HTX Thống Nhất liều lĩnh đưa dàn tàu hút cát ra khai thác ở khu vực chưa được cấp phép – tức tại khu vực lòng sông đoạn chảy qua thôn Kim Sen thì bị cư dân địa phương phản đối dữ dội vì sự ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và an ninh trật tự. Trước vấn đề này, chính quyền UBND huyện Quảng Ninh phải vào cuộc, kiểm tra và tìm giải pháp hữu hiệu. Làm công tác dân vận, cho phép HTX Thống Nhất được khai thác ở khu vực mỏ này khi đi vào hoạt động, trước khi trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp phép.


Dàn tàu hút cát sạn trên sông Long Đại.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Đình Thăng cho biết quan điểm chỉ đạo của chính quyền địa phương: Thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản 2010, công tác cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quảng Ninh từ năm 2013 đến nay đã cơ bản đi vào ổn định. 3 Công ty trên được cấp phép khai thác trong phạm vi 16ha, trong quá trình hoạt động có để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tranh chấp giữa các DN và gần đây có tổ chức tự ý lập trạm thu phí khoáng sản tàu thuyền khai thác trên sông. Vấn đề này đang được đoàn kiểm tra của UBND huyện làm rõ để xử lý.

Đối với HTX Thống Nhất có 47 hộ, bức xúc trước nạn bị “trấn lột” đưa dàn tàu ra ngoài phạm vi hút cát trái phép, chính quyền không đồng ý. Bắt buộc chính quyền cấp cơ sở phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến dân cư về việc cấp phép khai thác. Đang vào mùa xây dựng, việc cấp phép khai thác mỏ nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách tỉnh. Vấn đề cấp phép khai thác phải đi kèm hài hòa lợi ích giữa cư dân và DN.

Trước vấn đề này, có 3 nhóm ý kiến của dân cư đưa ra: Rút hết các giấy phép khai thác mỏ trên sông Long Đại, trả lại nguyên trạng; Đồng ý việc cấp phép, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường; Đề nghị phòng TNMT thường xuyên kiểm tra, đảm bảo hoạt động tại các mỏ đã cấp phép đúng quy định.

Tóm lại, cần có một giải pháp giải quyết dứt điểm giải quyết tranh chấp, nhận được sự đồng tình của chính quyền và nhân dân trong hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, đảm bảo an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load