- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo làm rõ việc xây dựng cầu cảng trái phép tại Hòn La
- Quảng Bình: Cầu cảng không phép “đối đầu” chính quyền
(Xây dựng) – Mới đây, UBND huyện Quảng Trạch giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, Cảng vụ Hàng hải tỉnh, Công an huyện Quảng Trạch, Đồn Biên phòng Roòn cùng các ban nghành thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với cầu cảng không phép của ông Tưởng Văn Thịnh (trú tại thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) trong thời hạn không quá 30 ngày.
Hướng xử lý
Việc thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm đối với ông Tưởng Văn Thịnh sẽ triển khai thực hiện từ ngày 13/4 với mục đích giải quyết dứt điểm việc thi công xây dựng công trình vi phạm; bảo đảm trật tự xã hội trong công tác quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Đồng thời, đề nghị UBND cấp xã theo dõi, giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng. Tuyệt đối không để tình trạng các công trình vi phạm tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm về sau.
Cầu cảng Thịnh Hậu nhìn từ xa.
UBND huyện phải rà soát toàn bộ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện, những quy hoạch không phù hợp hoặc không khả thi thì kiến nghị điều chỉnh để sử dụng đất hiệu quả và đảm bảo các quyền, lợi ích của người dân.
Trước đó, Báo Xây dựng đã thông tin về sự vụ: Cách TP Đồng Hới khoảng 50km về phía Bắc, cảng biển Hòn La là vị trí trọng yếu của tuyến phòng thủ ven biển của tỉnh Quảng Bình, nằm ngay dưới chân đèo Ngang, có sự quản lý an ninh biên giới chặt chẽ của đồn Biên phòng Roòn và một đơn vị bộ đội địa phương. Ngay sát khu cảng Hòn La, một bờ kè nổi gần 100m được đổ trên 2.400m3 đất, đá và dùng container lấp kín. Hoạt động chính ở khu vực cảng này là bốc hải sản, tiếp dầu. Mỗi ngày có hàng tram tàu bị bắt buộc cập cảng này. Cầu cảng xây dựng không phép Thịnh Hậu làm ăn lén lút đã 3 năm, càng lúc càng lộng hành, chính quyền các cấp đã vào cuộc nhưng chưa dẹp được dù đã nhiều lần tiến hành xử phạt.
Cần mạnh tay với những công trình vi phạm
Theo số liệu cung cấp từ Sở Xây dựng Quảng Bình: Trong năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hành chính được chú trọng, đã tổ chức 21 cuộc thanh tra tại các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 167 trường hợp sai phạm, kiến nghị chấn chỉnh hoạt động 155 trường hợp, xử lý 12 trường hợp với tổng số tiền sai phạm là 2,463 tỷ đồng, trong đó: kiến nghị giảm trừ 708 triệu đồng, thu hồi 1,475 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính 280 triệu đồng.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, nhiều thủ đoạn, mánh khóe được các đối tượng áp dụng để xây dựng các công trình không phép, lấn chiếm quỹ đất; thậm chí còn nganh nhiên đối đầu chính quyền. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xử lý mạnh tay với những công trình vi phạm.
Tàu thuyền bị chèn ép cập cảng.
Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm: Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền buộc tháo dỡ công trình, phần xây dựng công trình không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định: Chủ tịch UBND cấp xã, phường quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý trừ những công trình quy định tại Khoản 1, Điều 18 của Nghị định này.
Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định cụ thể loại công trình Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Do vậy, trong quá trình xử lý vi phạm về tổ chức thi công xây dựng, thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ của Chủ tịch UBND cấp xã áp dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Về thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm: Trưởng phòng chuyên môn giúp Chủ tịch UBND cấp huyện quản lý xây dựng đô thị có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP như sau: “Ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị mà UBND cấp xã, phường không kịp thời xử lý”.
Về việc xử lý hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng: Tại Điểm a, Khoản 7 và Khoản 9, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định: hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng, đồng thời bị xử lý phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Nhất Linh
Theo