(Xây dựng) - Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình với hơn 126km sẽ cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát và 2,7 triệu đá xây. Ngoài ra, có khoảng 8,6 triệu m3 lượng đất đá dư thừa cần đổ thải.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra tiến độ khai triển dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. |
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần là Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ với tổng chiều dài hơn 126km đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Tổng mức đầu tư dự kiến là 24.558 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 6 (cùng Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Để đảm bảo dự án được khởi công đúng thời gian đề ra, Quảng Bình đã và đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế và 2 Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải triển khai các phần việc liên quan, trong đó có vấn đề mỏ vật liệu và các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (không phải là chất thải nguy hại).
Theo tính toán, 3 dự án thành phần đoạn cao tốc qua Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát; 2,7 triệu đá xây; lượng đất đá dư thừa cần đổ thải khoảng 8,6 triệu m3.
Đến nay, các địa phương đã cung cấp đầy đủ hồ sơ các vị trí, trữ lượng các mỏ đất đá, cát và vị trí có thể đổ thải cho tư vấn làm cơ sở cho công tác khảo sát. Tư vấn cũng đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường và đang tiến hành thí nghiệm để bước sang giai đoạn cuối cùng trước khi bàn giao hồ sơ.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cũng đã thông tin về nhu cầu, quá trình khảo sát, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ chất thải rắn xây dựng ở địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo đó, 9 mỏ đá ở Quảng Bình và 5 mỏ đá ở Quảng Trị có trữ lượng 10 triệu m3. Hiện, Quảng Bình chỉ cho khai thác công suất tối đa 380.000 m3/năm, Quảng Trị 590.000m3/năm, trong khi nhu cầu dự án cần 1,4 triệu m3 đá ở Quảng Bình và khoảng 1,7 triệu m3 đá ở Quảng Trị trong 2 năm. Vì vậy, đề nghị tỉnh cho nâng công suất mỏ đá lên để đảm bảo nhu cầu dự án. Tương tự, đối với mỏ cát, Ban Quản lý Dự án 85 cũng đề nghị nâng công suất lên gấp khoảng 20 lần so với hiện tại.
Căn cứ vào danh sách mỏ vật liệu và bãi đổ thải phục vụ cho dự án mà Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình cung cấp, các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải đã khảo sát được 21 mỏ đá trữ lượng 35,36 triệu m3; 25 mỏ đất trữ lượng 16,21 triệu m3; 20 mỏ cát nền xây dựng, trữ lượng 2,19 triệu m3; 10 mỏ cát đắp trữ lượng 5,14 triệu m3; 50 bãi đổ thải.
Theo dự báo, đoạn cao tốc đi qua tỉnh Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp từ các địa bàn lân cận. |
Theo đánh giá, nhìn chung trữ lượng và chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ chất thải rắn xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu dự án. Khối lượng chất thải rắn xây dựng từ 3 dự án thành phần cao tốc đoạn qua Quảng Bình rất lớn. Do đây cũng là nguồn tài nguyên nên đề nghị chủ đầu tư xem xét việc tận dụng phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Phan Xuân Tuấn - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết: Căn cứ vào nhu cầu vật liệu xây dựng dự án, đơn vị đã kịp thời cung cấp danh sách, công suất, trữ lượng các mỏ khoáng sản để chủ đầu tư tiến hành khảo sát, đánh giá, đảm bảo đủ nhu cầu vật liệu san lấp, đáp ứng việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình theo kế hoạch. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình đánh giá: Việc chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng và bãi đổ thải là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương, đảm bảo cho việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình được triển khai đúng tiến độ mà Chính phủ đã đặt ra.
Do vậy, chủ đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý đề xuất các bãi đổ thải với đầy đủ chi tiết vị trí, tọa độ, quy mô, hiện trạng đất đai và gửi về đơn vị. Đối với các mỏ vật liệu xây dựng, cần sớm có văn bản chính thức về các điểm mỏ dự kiến lựa chọn phục vụ dự án. Trong quá trình triển khai các nội dung về mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ chất thải rắn xây dựng, chủ đầu tư cần tiếp tục trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có thẩm quyền của tỉnh, của Sở Tài nguyên Môi trường nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng tới triển khai dự án.
Nhất Linh
Theo