Ngày 19/4, các nhà khoa học Mỹ công bố một thí nghiệm mới cho thấy có thể sử dụng các biện pháp can thiệp khoa học để giúp não bộ hoạt động khỏe mạnh hơn khi bước vào tuổi "xế chiều."
Ảnh minh họa. (Nguồn: smolensk-i.ru)
Theo đó, các nhà nghiên cứu đến từ Địa học Standford (California, Mỹ) đã thực hiện thí nghiệm bằng cách tiêm một loại protein có tên TIMP2, được lấy từ huyết tương ở dây rốn của các em bé sơ sinh, lên các cá thể chuột già.
Kết quả cho thấy việc này giúp tăng cường khả năng hoạt động của các hồi hải mã (một phần của não trước, là cấu trúc nằm bên trong thùy thái dương chịu trách nhiệm điều khiển trí nhớ và các khả năng nhận biết không gian) của cá thể chuột, tăng cường khả năng học hỏi, ghi nhớ và tiếp nhận thông tin mới.
Đáng chú ý, những cá thể chuột già này có thể tìm cách thoát khỏi một mê cung được dựng trong phòng thí nghiệm nhanh hơn.
TIMP2 là loại protein có rất nhiều trong huyết tương dây rốn trẻ sơ sinh, và hàm lượng protein này giảm dần khi tuổi đời càng cao. Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện ra vai trò của TIMP2 trong việc phát triển hồi hải mã.
Tác giả của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature này nhận định phát hiện mới chỉ ra protein TIMP2 hoặc các tế bào thần kinh có chứa protein này sẽ phục vụ đắc lực cho các nghiên cứu điều chế thuốc chống suy giảm nhận thức ở người già.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thí nghiệm bước đầu đối với chuột cần có những kiểm chứng chuyên sâu hơn về tác dụng của phương pháp này đối với con người trước khi đưa ra kết luận. Và tác dụng ở chuột cũng chỉ mới dừng lại ở việc khắc phục tình trạng suy giảm nhận thức do tuổi tác chứ chưa có nghiên cứu cụ thể về tình trạng suy giảm nhận thức do bệnh tật.
Mặc dù vậy, đây cũng là một trong các bước đi đầu tiên định hướng cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn dành cho người.
Theo TTXVN/VIETNAM+