(Xây dựng) - Sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị thu hẹp, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đang gấp rút được triển khai với nhiều điểm mới hấp dẫn, qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hành hương về nguồn cội của đồng bào trên mọi miền đất nước.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng. |
Năm 2023 là năm lẻ, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ. Bên cạnh các nội dung phần lễ như Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 và các hoạt động theo thông lệ, điểm mới là một số hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”; Liên hoan Văn hóa ẩm thực đất Tổ tại khu dịch vụ ngã 5 đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Các hoạt động theo kế hoạch phong phú, đa dạng, thiết thực, giới thiệu và quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch văn hóa, những nét độc đáo về lịch sử, văn hóa tỉnh Phú Thọ đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, khẳng định vị thế du lịch Phú Thọ là điểm đến văn hóa, tâm linh, an toàn, thân thiện với du khách, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, để phát triển du lịch.
Năm nay, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương với nhiều điểm mới hấp dẫn, nhằm tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, gắn bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, nhất là “hát Xoan Phú Thọ” và “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” với phát triển du lịch. Khẳng định nỗ lực cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.
Chỉnh trang môi trường Khu di tích lịch sử Đền Hùng. |
Ông Lê Trường Giang – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, hiện tại cơ bản công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã xong. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù cho việc lượng khách tăng cao đột biến; triển khai quy hoạch hàng quán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và dịch bệnh; phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Công tác chỉnh trang khu di tích được đặc biệt quan tâm; vệ sinh môi trường được chú trọng, thường xuyên đảm bảo. Từ nhân lực thực hiện đến hệ thống xe chuyên dụng phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý. Các đường lên đền, chùa, các khu cảnh quan, nơi du khách thường dừng chân, các nhà hàng phục vụ ăn uống hay các quầy bán hàng đều được bố trí thùng rác ở nơi thuận tiện; các khu vệ sinh công cộng cũng được bố trí đảm bảo sạch sẽ và phù hợp với cảnh quan.
Khu di tích đã triển khai kiểm tra sửa chữa các nhà vệ sinh công cộng; duy tu hệ thống đường nội bộ, cắt tỉa, trồng bổ sung hoa, cây cảnh, trang trí cảnh quan, tuyên truyền trực quan…
Để đảm bảo lễ hội diễn ra trang nghiêm, thành kính, an toàn và văn minh, tỉnh Phú Thọ, Ban tổ chức giỗ Tổ của tỉnh đã chỉ đạo triển khai các phương án: Tiếp tục phát huy kết quả các lễ hội trước; duy trì 5 không trong tổ chức (không có người ăn xin, ăn mày, không ùn tắc giao thông, không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”, không có những hành vi phản cảm trong lễ hội, không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội)… Xây dựng nội quy tổ chức lễ hội, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện để nhân dân biết, thực hiện; đảm bảo an ninh trật tự, thành lập đội công tác liên ngành với sự tham gia của lực lượng nhiều ngành liên quan tham gia quản lý các hoạt động. Hiện nay, khu di tích đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung hoạt động phần lễ nhằm đảm bảo tổ chức trang nghiêm, trọng thể, truyền thống.
Phùng Hằng
Theo