Thứ sáu 03/01/2025 10:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Phú Thọ: Nhìn lại công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường VLXD năm 2017 và định hướng công tác năm 2018

11:40 | 29/03/2018

(Xây dựng) – Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quốc Trụ - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường công tác kiểm soát, giám sát thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) để bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng ở tỉnh Phú Thọ.

Chi cụ Quản lý thị trường Phú Thọ họp triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường VLXD.

Phóng viên: Thưa ông! Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ nhiều năm được đánh giá là thực hiện tốt quản lý nhà nước nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp. Năm 2017 đã kết thúc, với trọng trách là người đứng đầu ngành Quản lý thị trường ông có thể cho bạn đọc Báo Điện tử Xây dựng “chiêm ngắm bức tranh toàn cảnh” của Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ sau 365 ngày vất vả?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Năm 2017 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị được đảm bảo, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và triển khai đồng bộ, từng bước phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân được cải thiện, lạm phát ở mức thấp. Thị trường cơ bản ổn định và có những chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã giảm bớt khó khăn, hàng hóa kinh doanh trên thị trường đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; giá cả hàng hóa biến động không lớn, không có hiện tượng sốt giá vào các thời điểm, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến thị trường như: sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, giá thịt lợn hơi giảm mạnh tác động lớn đến ngành chăn nuôi và kéo theo đó là tác động đến giá trị sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, ngoài ra vấn nạn buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại có những dấu hiệu ngày càng tinh vi khó kiểm soát, gây không ít khó khăn cho việc phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng; chủ yếu là những sản phẩm tiêu dùng như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dược phẩm, vật tư nông nghiệp, thực phẩm.

Để thực hiện tốt chủ trương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã thường xuyên phối hợp cùng các ban, ngành tại địa phương tiến hành triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiếm soát, chủ yếu là đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa dối người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian diễn ra các dịp Tết, lễ, sự kiện chính trị... góp phần bình ổn thị trường; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh ổn định.

Trong năm 2017, Chi cục đã tiến hành kiểm tra: 2.527 vụ (bằng 105,29 % so với năm 2016); tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước: 6.572.042.000 đồng (bằng 116,% so với năm 2016, đạt 110,45 % so với kế hoạch năm 2017); trị giá hàng tiêu huỷ: 511.049.000 đồng (bằng 185,7% so với năm 2016).

Phóng viên: Với 3.533,4km2 và gần 1 triệu 500 ngàn dân tỉnh Phú Thọ được phân chia hành chính: 01 thành phố đô thị loại I, 01 thị xã và 11 trung tâm huyện lỵ nên giá trị xây dựng các công trình công cộng cũng như tư nhân mỗi năm cũng lên đến tới con số cả ngàn tỉ đồng. Nguồn động lực của sự phát triển ấy là thị trường VLXD hoạt động rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Vậy những năm qua hay trong năm 2017 Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ đã phát hiện ra những hành vi của tổ chức hay cá nhân có hành vi trục lợi trái pháp luật ở lĩnh vực này chưa?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD năm 2017 Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo toàn lực lượng tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề và văn bản chỉ đạo, qua đó đã phát hiện, xử lý 106 vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh VLXD với các hành vi sai phạm chủ yếu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhãn hàng hóa, và kinh doanh hàng nhập lậu. Số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước là 183.250.000 đồng.

Phóng viên: Hàng năm, Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ vẫn thường xuyên tổ chức các đợt thanh kiểm tra theo chuyên đề. Vậy, Chi cục đã tham mưu cho Sở Công thương và Sở Công thương đã báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ tiến hành thanh kiểm tra mấy chuyên đề về VLXD?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Đối với kế hoạch kiểm tra chuyên đề được triển khai khi diễn biến thị trường phát sinh những vấn đề, lĩnh vực, nội dung, địa bàn cần phải tập trung kiểm tra ngăn chặn hoặc theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Trong năm 2017, Căn cứ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề số 111/QLTT-NVTH ngày 28/9/2017 về kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tài nguyên cát sỏi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo thanh, kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD (Công văn số 97/QLTT-NVTH ngày 6/9/2017 của Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa VLXD).

Phóng viên: Thị trường VLXD trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại hàng giả, hàng kém chất lượng có xuất xứ từ nước ngoài. Không chỉ đe dọa an toàn của mỗi công trình xây dựng. Đó là các loại hàng như: Tôn, thép (thép không gỉ, dây thép hợp kim, thép hình, tôn màu); gạch xây, gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp tường, gạch lát nền (ceramic và granite); các loại sứ, thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa..); ống nhựa PVC, gỗ lát sàn; giấy dán tường, sơn tường các loại... Chỉ cần dạo qua một số cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn, nhất là vùng sâu vùng xa bằng cảm quan hoặc thông qua giao dịch so sánh đối chứng giá cả thì ai cũng nhận ra được ít nhiều hàng hóa giả và đội nhái thương hiệu, ông có nhận định gì về hiện tượng trên? Cơ quan quản lý Nhà nước có cách gì ngăn chặn kịp thời để đảm bảo lành mạnh thị trường, quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi nhà sản xuất. Các biện pháp chế tài hiện nay đã thực sự đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Hiện nay, với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự hòa nhập, giao thương giữa các quốc gia được thuận lợi, và ở bất cứ nền kinh tế thị trường nào bên cạnh sự phát triển của hàng hóa chính hãng, chất lượng và uy tín cao thì vẫn luôn tồn tại những khuyết tật của thị trường, đó là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hiện tượng thẩm lậu hàng hóa, nó không chỉ diễn ra đối với nhóm mặt hàng VLXD mà còn diễn ra trên các nhóm, mặt hàng hoặc lĩnh vực khác. Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và nhóm hàng VLXD nói riêng, trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cấp bộ, ngành Trung ương và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Phú Thọ, sự phối hợp đồng bộ của cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các nội dung như kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, về quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của sản phẩm), các quy định về công bố chất lượng sản phẩm, niêm yết giá, qua đó đã kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo đảm bình ổn thị trường. Mặc dù vậy, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp do chế tài xử lý vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Phóng viên: Trách nhiệm quản lý thị trường VLXD không chỉ riêng Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ, mà còn có các cơ quan chức năng tham mưu, phối kết hợp là Sở Xây dựng và các cơ quan bảo vệ luật pháp. Với vai trò là “nhạc trưởng” công tác chống buôn lậu và hàng giả Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện tác nghiệp tương tác với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực nhạy cảm này?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngoài việc chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ thì công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh luôn được Chi cục Quản lý thị trường quan tâm và tăng cường theo quy định tại “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” được ban hành kèm theo Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ. Đối với lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD, Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan như Công an, Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ để triển khai quản lý, và kiểm tra kiểm soát.

Phóng viên: Trước thực trạng bất cập trong việc kiểm soát của thị trường VLXD hiện nay trong cả nước cũng như Phú Thọ, là người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường ở khu vực, ông có thấy phần nào trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường nói riêng và vai trò chỉ đạo của Sở Công thương không?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các lĩnh vực, mặt hàng được Pháp luật quy định, trong đó có lĩnh vực VLXD. Tuy nhiên hiện nay Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm VLXD, sản xuất, kinh doanh VLXD, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà và công sở lại không quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Quản lý thị trường, đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Quản lý thị trường.

Phóng viên: Mặt hàng VLXD tương đối đặc thù, đòi hỏi trình độ cán bộ quản lý thị trường phải có năng lực nhất định tương đối chuyên sâu của lĩnh vực thì mới có thể nhận diện chính xác. Vậy trong cơ cấu cán bộ của Chi cục đã hình dung đến “kịch bản” này ở thời điểm hiện tại và một tương lai gần chưa? Với lượng biên chế hiện có, Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ có thể đảm nhiệm được công tác thanh kiểm tra các mặt hàng VLXD trên địa bàn? Đồng thời, ở cấp tham mưu tổng hợp cả “chiến lược” và “chiến thuật” ông có “tham vọng“ đề xuất những điều chỉnh xung quanh chính sách chống hàng lậu, hàng giả đội nhái nhãn mác, hàng kém chất lượng với tiêu chuẩn đăng ký trong “ma trận“ VLXD ở địa phương hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Trụ: Công tác Quản lý thị trường là một hoạt động mang tính đặc thù, và tính đến thời điểm này chưa có trường Đại học, Cao đẳng nào đào tạo chuyên sâu để làm công tác Quản lý thị trường, cán bộ, công chức Quản lý thị trường hầu hết được đào tạo từ các trường Luật, Kinh tế, Thương mại và một số ngành đào tạo khác. Vì vậy việc chuẩn hóa cán bộ để làm tốt công tác Quản lý thị trường theo từng lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát luôn được Chi cục quan tâm, tạo điều kiện bằng việc hàng năm cử cán bộ, công chức, kiểm soát viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên đề mặt hàng, lĩnh vực cũng như kỹ năng, quy trình tham gia kiểm tra, kiểm soát do các Bộ, ban ngành tổ chức, và hiện nay mặc dù còn hạn chế về số lượng biên chế nhưng với năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, kiểm soát viên Chi cục Quản lý thị trường Phú Thọ ngày càng được nâng lên, cùng với sự phối hợp của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đảm bảo cho công tác kiểm tra, kiểm soát nói chung và VLXD nói riêng luôn đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất chân chính, và người tiêu dùng, cũng như góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông, chúc ông và các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018.

Nguyễn Tham Thiện Kế

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load