(Xây dựng) - Khi chính thức trở thành một thành phố biển đảo, Phú Quốc sẽ nâng tầm vị thế của một điểm đến có sức hút hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng trong khu vực châu Á, đặc biệt với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang.
Đảo Ngọc được ưu ái
“Đề án đủ điều kiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang”. Chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong cuộc họp vào trung tuần tháng 9 vừa qua tiếp tục khẳng định đây sẽ là lực đẩy quan trọng biến Phú Quốc thành điểm sáng về du lịch, đầu tư của khu vực trong tương lai gần.
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm hoàn toàn trong vịnh Thái Lan, ngoài tầm ảnh hưởng của bão. Hòn đảo có 62% rừng nguyên sinh, 150km đường bờ biển, 99 ngọn núi với hệ sinh thái nguyên sơ.
Phú Quốc đang trở thành điểm đến du lịch nổi bật tại khu vực châu Á. |
Những lợi thế tự nhiên đó là nền tảng để Phú Quốc phát triển mạnh kinh tế du lịch. UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện có 304 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc, với nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 361.054 tỷ đồng. Trong số đó có 215 dự án phát triển du lịch và 23 dự án phát triển đô thị.
Xét về con số tăng trưởng trong ngành du lịch trong những năm trở lại đây, Phú Quốc có sự thay đổi thần tốc. Từ năm 2017-2019 lượng khách đến Phú Quốc tăng trung bình 35%.
Theo thống kê từ Sở Du lịch Kiên Giang, 8 tháng đầu năm 2020, Phú Quốc ghi nhận hơn 2,2 triệu lượt khách, nhỉnh hơn so với Đà Nẵng là 1,9 triệu lượt khách và bứt phá mạnh so với Khánh Hòa là gần 1 triệu lượt.
Tháng 8/2020, TripAdvisor chọn Phú Quốc là nơi duy nhất tại châu Á có tên trong Top 15 điểm đến đáng mơ ước trên thế giới. Đây là minh chứng về sức hút du lịch của Phú Quốc so với những điểm đến vốn đã nổi tiếng trong khu vực như Phuket, Bali hay Boracay…
Trở lại với đề án đưa Phú Quốc lên thành phố, đây chính là lợi thế chính sách quan trọng bên cạnh những lợi thế về tự nhiên để thúc đẩy kinh tế du lịch hòn đảo này lên một giai đoạn phát triển cao hơn, thực sự cạnh tranh được với những điểm đến khác tại khu vực.
Điểm đến đắc địa của nghỉ dưỡng siêu sang
Yếu tố văn hóa và thiên nhiên là tiền đề để Phú Quốc phát triển thành điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp. Nhưng thành phố biển đảo trong tương lai này còn cần gì để sánh ngôi với những thủ phủ du lịch biển nổi tiếng trong khu vực?
Đầu tiên chính là yếu tố tiếp cận dễ dàng. Tháng 11/2012, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động. Cho tới nay, đã có những đường bay thẳng quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu như: Anh, Italia, Nga…được khai thác.
Bên cạnh đó, trong nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, cho tới nay đã có gần 10 đường bay thẳng kết nối các tỉnh thành trong nước với thành phố biển đảo này.
InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort. |
Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP. Theo đó từ ngày 01/7/2020, Phú Quốc được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài trong 30 ngày, nhờ thỏa mãn các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Hiện nay, Phú Quốc mới chỉ có 64 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 5 sao. Nhìn sang Phuket, con số này là 880 với sự tập hợp của phần đa các thương hiệu upscale (hạng sang) và luxury (sang trọng) như: Banyan Tree, Como, Anatara, Six Senses và Rosewood.
Trong khi, Bali - Thủ phủ du lịch hàng đầu của châu Á là nơi tụ hội anh tài với hơn 2000 khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, gần hết các thương hiệu thuộc dòng ultra-luxury (siêu sang) đã có mặt tại đây, bao gồm: The Ritz - Carlton, St. Regis, Four Seasons, Six Senses.
Regent Phu Quoc. |
Phần lớn trong số 64 khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Phú Quốc đều thuộc phân khúc upscale như: Crowne Plaza, Movenpick, Novotel, Sol Melia hay Pullman. Phân khúc luxury có InterContinental, JW Mariott, MGallery...
Đặc biệt, phân khúc Ultra Luxury là thị trường kẽ mà Phú Quốc đang bỏ ngỏ với sự góp mặt của 2 dự án: Regent Phu Quoc và Park Hyatt Phu Quoc. Đáng nói, cả 2 dự án này đều là khu nghỉ dưỡng ven biển đầu tiên của hai thương hiệu Ultra - Luxury tại thị trường Đông Nam Á.
“Không phải điểm đến du lịch nào trên thế giới cũng có thể phát triển phân khúc bất động sả nghỉ dưỡng siêu sang bởi đối tượng của phân khúc này là những người có sự lựa chọn rất khắt khe và đề cao sự đặc biệt, độc bản. Nhưng các dự án siêu sang không chỉ nâng cao sức hút đầu tư mà còn cả vị thế của điểm đến,” một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản phân tích.
Dự kiến đi vào hoạt động quý 1/2021, Regent Phu Quoc mang tinh thần xa hoa độc bản, thể hiện trong sự cân bằng giữa âm (yin) qua thiết kế sang trọng, giàu mỹ cảm và dương (yang), qua công nghệ tiên tiến, dịch vụ hoàn hảo.
Với gần 400 bể bơi và hồ nước, công trình dường như nổi trên mặt nước và tỏa sáng trong ánh hoàng hôn của đảo Ngọc. Hành trình trải nghiệm ẩm thực kiểu fusion sang trọng kết hợp giữa nghệ thuật bài trí và biểu diễn sẽ là điều ấn tượng dành cho những thượng khách.
Park Hyatt Phu Quoc. |
Trong khi đó, Park Hyatt Phu Quoc Residences lại mang dấu ấn của ngôi làng Việt trong từng dinh thự nghỉ dưỡng. Tọa lạc ở vị trí xứng đáng với khái niệm “độc bản” với đường bờ biển dài 1,7 km, được bao bọc bởi thiên nhiên nguyên bản với rừng già và dãy núi Rồng ôm trọn hai bên cùng dòng suối tự nhiên chảy về trung tâm.
Park Hyatt Phu Quoc Residences mang hơi thở văn hóa bản địa trong thiết kế và chất lượng của thương hiệu Park Hyatt trong hệ thống dịch vụ, một nơi trú ẩn riêng tư, an toàn với những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao nhất dành cho những du khách sành sỏi.
Những thông tin ở trên cho thấy nếu không phải Phú Quốc, không thể có đủ điều kiện để phát triển một dự án đạt đủ các tiêu chuẩn siêu sang. Nhưng chính những dự án ở phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp nhất chính là sự khẳng định vị thế của nơi này.
Ninh Nhi
Theo