(Xây dựng) - Đình Phương Độ nằm ở làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) là một trong những ngôi đình cổ quý hiếm còn giữ nguyên được kiến trúc cổ xưa. Trải qua thời gian, đến nay Đình đã xuống cấp trầm trọng, cần sớm được các cơ quan chức năng trùng tu, khắc phục, sửa chữa, để giữ gìn di sản văn hóa, lịch sử quốc gia.
Toàn cảnh phía trước đình Phương Độ, xã Xuân Phương, Phú Bình. |
Di tích quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật điêu khắc
Đình Phương Độ thuộc làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 20km về phía Đông Nam. Đây là ngôi đình làng cổ nhất còn tồn tại ở Thái Nguyên cho đến ngày nay còn tương đối nguyên vẹn mang kiến trúc độc đáo, cổ kính điển hình thời Lê, chứa đựng những giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật quý giá. Từ lâu, đình Phương Độ đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của nhân dân trong vùng đặc biệt còn là một trong những “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch của du khách mỗi khi đặt chân đến Thái Nguyên.
Ông Đồng Văn Vừa - Phó ban Thường trực Ban Quản lý di tích đình Phương Độ dẫn chúng tôi đi thăm quan ngôi đình và giới thiệu: Đình Phương Độ được xây dựng thời Lê, khoảng thế kỉ thứ XV là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật lớn nhất tỉnh Thái Nguyên còn lại đến ngày nay. Đình ban đầu dựng gần bờ sông, đến năm 1901, được chuyển vào giữa làng như vị trí ngày nay. Những nét kiến trúc đặc trưng từ thời Lê đến nay vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn.
Theo tư liệu còn lưu giữ lại tại đình, đình Phương Độ thờ hai danh tướng thời vua Hùng là Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền hai vị tướng này có công lớn trong việc đánh giặc phương Bắc, giữ yên bờ cõi nước ta. Bên cạnh đó, đình còn phối thờ danh tướng Dương Tự Minh thời Lý. Ông là người dân tộc Tày ở Thái Nguyên, có công rất lớn đánh và dẹp quân xâm lược phương Bắc và là người xây dựng mảnh đất Thái Nguyên trù phú.
Cổng Văn trong khuôn viên đình làng Phương Độ. |
Ngôi đình không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, kiến trúc cổ độc đáo mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nơi đây còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng. Tháng 8/1945, đình được chọn làm nơi tổ chức Lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám, các lớp tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ, các phong trào như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức tại đây.
Đình Phương Độ có kiến trúc gồm 3 gian, 2 chái. Hướng của đình quay phía Tây, xung quanh có tường xây bao bọc. Mái đình lợp ngói mũi hài, 4 góc cong vút. Trên nóc mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” đạt trình độ nghệ thuật cao.
Trong đình được thiết kế với hệ thống 48 cột, các cột cái, cột quân, xà… chủ yếu làm bằng gỗ lim, ván lát xung quanh được chạm trổ các bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) rất khéo léo công phu. Trên, dưới các đầu trụ, câu đầu và xà ngang, dọc đều được trang trí hoa văn, trạm trổ các bộ “Tứ linh”, một nét nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu thời Lê.
Hiện, đình vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: 1 sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; bàn hương án của cuối thời Lê đầu thời Nguyễn; bát hương sành cổ (thời Lê); hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án… được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.
Không chỉ về kiến trúc, Đình Phương Độ vẫn còn giữ được dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính, nét đặc trưng riêng có, là di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật điêu khắc. Truyền thuyết và lễ hội đình Phương Độ thực sự trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân vùng Phú Bình tự ngàn xưa cho đến nay.
Năm 1993, Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Đình Phương Độ là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đến năm 2018 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chứng nhận Lễ hội Đình Phương Độ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cần sớm trùng tu khắc phục sự xuống cấp Đình Phương Độ
Trải qua thời gian dài, nhiều hạng mục trong ngôi đình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, như hệ thống cột, kèo, xà, kẻ, con trồng… bị mối mọt, mục nát xuống cấp. Năm 2013, đình được Nhà nước đầu tư gần 2 tỷ đồng sửa chữa, khắc phục, nhưng nguồn kinh phí đó chỉ đủ sửa chữa được 1 gian trái, nên những năm gần đây, các phần còn lại của toàn bộ ngôi Đình tiếp tục xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ do hệ thống các cột chính bị mục lát. Để giữ gìn di tích người dân trong làng đã tự quyên góp tiền của để tôn tạo. Năm 2018, đã có gần 150 tập thể, cá nhân ủng hộ tu bổ đình với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng.
Các hạng mục bên trong Đình bị xuống cấp trầm trọng. |
Ông Đồng Văn Vừa cho biết thêm: Hiện nay, đình Phương Độ đang ở trong tình trạng báo động về sự xuống cấp, để khắc phục tạm thời, Ban Quản lý di tích đã sử dụng hệ thống sắt thép đỡ thay các cột, kèo nếu không đã bị sập hoàn toàn. Ban Quản lý di tích đề nghị các cơ quan chức năng sớm quan tâm trùng tu, tôn tạo vì các biện pháp giữ gìn của Ban cũng chỉ tạm thời, thậm trí làm mất mỹ quan với du khách thập phương mỗi khi đến thăm đình.
Một chân cột trong đình được khắc phục tạm thời do đã bị mục rỗng gần hết.
Ban Quản lý di tích phải dùng cột sắt đỡ các vị trí do cột gỗ đã hỏng.
Để giữ gìn di tích và các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh và Trung ương cần sớm khảo sát, đánh giá thực trạng, có biện pháp trùng tu, sửa chữa kịp thời tránh sự xuống cấp làm hư hỏng, mất đi những di sản quốc gia quý giá.
Việt Hoan
Theo