(Xây dựng) - Dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát trở lại. Tại các tỉnh phía Nam, số bệnh nhân mắc bệnh tăng đột biến do thời tiết mưa, nắng nóng thất thường gây nên. Vì vậy, phương pháp phòng bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng là việc làm rất cần thiết.
Bệnh tay chân miệng thường khởi phát vào mùa đông xuân hàng năm và rất dễ lây lan trong cộng đồng qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải...
Để phòng bệnh lây lan và bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, cần nhắc nhở con rửa chân tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi, không mớm thức ăn cho trẻ… Đặc biệt khi thấy trẻ có phát ban ở lòng bàn tay, chân, háng, xuất hiện các vết loét ở niêm mạc khoang miệng, lưỡi, sốt trên 38 độ… cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để điều trị sớm, đề phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Đặc tính của bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh do một số tuýp enterovirus khác nhau, nhưng tất cả đều thuộc nhóm enterovirus A. Các virus lan đến mô trong miệng, gần amiđan, và xuống hệ tiêu hóa sau đó có thể lan tới các hạch bạch huyết lân cận và qua máu đi khắp cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ chống trả lại virus để ngăn nó lan tới những cơ quan trọng yếu như não…
Triệu chứng
Sốt cao (khoảng 38-39°C).
Đau họng.
Chán ăn.
Đau bụng.
Loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, mặt trong của má (kích thước bằng chiếc cúc áo nhỏ sau đó thành vết loét lớn có vòng tròn màu đỏ, có khoảng từ 5 đến 10 vết trong miệng).
Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, háng… Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục (không đau, không ngứa).
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng
Mất nước.
Bội nhiễm.
Phù phổi cấp.
Biến chứng của bệnh là phù phổi cấp, viêm cơ tim, màng não…
Viêm cơ tim.
Viêm màng não.
Viêm não…
Cách phòng bệnh tay chân miệng
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ nhỏ).
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà...
Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Giáo dục trẻ rửa chân tay, giữ gìn vệ sinh gia đình, nhà mẫu giáo sạch sẽ…
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống…
Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh…
Khánh Phương
Theo