Thứ sáu 13/09/2024 21:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về phát triển điện mặt trời mái nhà

15:53 | 13/08/2024

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xem xét quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu nhà dân, công sở "đơn giản nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới."

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về phát triển điện mặt trời mái nhà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 13/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về Nghị định liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự nhất quán, khoa học trong cách tiếp cận về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế khi xây dựng Nghị định liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Việc xây dựng Nghị định này phải đặt trong tổng thể quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII với tinh thần vì trách nhiệm chung, không chậm trễ trong bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xem xét quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở nhà dân, công sở "đơn giản nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới."

“Dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc còn nhiều. Vì vậy, phải có chính sách để khuyến khích đầu tư, phát triển hiệu quả,” Phó Thủ tướng nêu rõ; đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện, mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất tỷ lệ bán điện dư của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế. Phó Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp quản lý kỹ thuật để kiểm soát công suất đối với các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối lên nguồn điện quốc gia, nhất là lưới điện trung áp để bảo đảm an toàn hệ thống.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về phát triển điện mặt trời mái nhà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị liên quan tính toán về nhu cầu phụ tải, khả năng bảo an toàn hệ thống, mạng lưới truyền tải tại các địa phương, vùng miền khi huy động nguồn điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Rút gọn, đơn giản các thủ tục đăng ký

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp, sau khi tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ Công Thương đã điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích theo hướng, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối với hệ thống điện quốc gia được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý về việc rút gọn, đơn giản các thủ tục đăng ký phát triển, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, nghiệm thu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình rút gọn việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật để bảo đảm thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; phân cấp quản lý nhà nước cho các cơ quan cấp dưới để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, phòng cháy và chữa cháy, môi trường, điện lực.

Về phương án mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất tỷ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia với giá áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, mức công suất lắp đặt nhỏ hơn 100kWh sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Mức công suất lắp đặt trên 100kWh (bán hoặc không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia) đều phải kết nối vào cấp điều độ phân phối điện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về phát triển điện mặt trời mái nhà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về điện mặt trời mái nhà. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu đã tập trung phân tích các chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có tính chất như nguồn điện nền; không giới hạn phát triển đối với nguồn điện mặt trời mái nhà công suất từ 100kWh; cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định tổng công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW.

Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng, với quy định trong dự thảo Nghị định, người dân không chỉ tiết kiệm điện mà với mức giá bán điện dư vào hệ thống, sau khoảng 5-6 năm, có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12-15 năm./.

Theo Diệp Trương/(TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng: ASEAN BAC cần thực hiện 5 đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân ASEAN

    Thủ tướng mong muốn các thành viên ASEAN BAC sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đưa ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư và góp phần thúc đẩy ASEAN phát triển bền vững.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà tại huyện Lục Nam, Bắc Giang

    (Xây dựng) - Sáng 13/9, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác đã đến thăm, động viên và tặng quà nhân dân xã Vũ Xá (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

  • Tuyên bố chung Việt Nam-Lào

    Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 13/9/2024. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam-Lào".

  • Ông Rah Lan Chung làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

    (Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 957/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

  • Cà Mau có tân Phó Bí thư Tỉnh ủy

    (Xây dựng) – Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương được điều động tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhiệm kỳ 2020 – 2025.

  • Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ, khắc phục hậu quả của bão số 3 tại Nam Định

    (Xây dựng) - Nam Định cần khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác tiêu úng, khắc phục, tu sửa các công trình hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại, tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều; tập trung thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ bà con nhân dân. Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ, khắc phục hậu quả của bão số 3 tại tỉnh Nam Định, chiều ngày 12/9.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load