Thứ ba 19/03/2024 12:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

13:59 | 28/05/2023

(Xây dựng) – Sáng 28/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm bên lề Hội nghị.

Ngoài điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Hội nghị được kết nối trực tuyến hơn 270 điểm cầu đến các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Và được truyền hình trực tiếp trên các hạ tầng phát sóng của HTTV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội; là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa đặc sắc; quê hương của các danh nhân văn hóa - lịch sử nổi tiếng; có nhiều di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, Hà Tĩnh luôn thân thiện mời gọi, chào đón bạn bè, du khách gần xa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định “chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm”.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được thành tựu phấn khởi trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh bạn trong khu vực, ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia, Hà Tĩnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; là tỉnh thứ hai của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới nhà đầu tư. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cũng thông tin: Sẽ có 15 dự án được ký kết có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; 25 ghi nhớ hợp tác có tổng mức đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng sẽ tạo động lực, dư địa mới cho tỉnh.

Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ ý kiến nhằm làm rõ hơn các mục tiêu, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Tĩnh, những định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; những vấn đề về biến đổi khí hậu mà Hà Tĩnh phải đối mặt.

Với phương châm "Đồng hành cùng doanh nghiệp", "Phục vụ doanh nghiệp", tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ cùng các doanh nghiệp, đồng hành phát triển lâu dài. Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch; bất động sản nghỉ dưỡng; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, bất động sản; du lịch mạo hiểm và khám phá; các khu vui chơi giải trí; sản xuất công nghiệp - nông nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; kinh tế rừng, trồng rừng và chế biến gỗ trồng rừng…

Đồng thời, để đồng hành cùng nhà đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh cũng cam kết sẽ cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Áp dụng mức ưu đãi tối đa về thuế, phí, tiền sử dụng đất cùng các hỗ trợ khác cho các dự án theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư mới, dự án tái cơ cấu hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh và hình thành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường đối thoại, đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Một số hình ảnh tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quy hoạch xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm:

Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế Trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load