(Xây dựng) - Năm 2020 là năm đặc biệt quan trọng, diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Để có cái nhìn rõ nét hơn về những thành tựu nổi bật, định hướng phát triển cũng như những đổi mới trong chính sách quản lý, phát triển VLXD thời gian qua, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bắc - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng).
Ông Phạm Văn Bắc - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng). |
Có thể thấy, nhiệm kỳ qua Chi bộ Vụ VLXD đã khẳng định tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị vượt khó khăn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng. Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật đã đạt được của Chi bộ trong nhiệm kỳ vừa qua?
Nhận thức sâu sắc vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng, Chi bộ Vụ VLXD đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng tới từng đồng chí trong Ban chấp hành Chi bộ; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát hiệu quả các lĩnh vực hoạt động của Vụ; xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc khoa học; thực hiện dân chủ trong sinh hoạt, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức Đảng; đào tạo căn bản, nâng cao bồi dưỡng định kỳ cho Đảng ủy viên. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Thứ trưởng phụ trách và ban chấp hành Chi ủy, Chi bộ Vụ VLXD luôn đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh; hàng năm có 100% đảng viên của chi bộ đạt tiêu chuẩn đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
Quán triệt chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Xây dựng, Chi bộ Vụ VLXD đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 08-QĐi/TW của BCH Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, qua đó giúp cán bộ, đảng viên Vụ VLXD nâng cao nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chi bộ Vụ VLXD luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo và Đảng ủy Bộ Xây dựng trong các mặt hoạt động, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn: Vụ đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành 1 Nghị định, 4 Đề án và 2 Thông tư; chỉ đạo, phối hợp chỉ đạo xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng… góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, Vụ còn tham gia đầy đủ và có trách nhiệm cao cùng với các cục, vụ của Bộ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, các đề án, thông tư… hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra đảm bảo chất lượng tốt, đã đi vào cuộc sống và tháo gỡ được những vấn đề bức xúc của xã hội.
Ông có thể khái quát những nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Vụ VLXD tập trung triển khai trong thời gian qua?
Thời gian qua, Vụ VLXD đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách như: Nghị định, Thông tư, đề án, chỉ thị để tăng cường sản xuất phát triển ngành VLXD trong nước đạt được ở mức độ cao.
Vụ VLXD đã tham mưu với lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Chính phủ trong việc quản lý đầu tư phát triển VLXD theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến tạo ra các sản phẩm VLXD của Việt Nam như: Xi măng, kính, gạch gốm ốp lát, gốm sứ. Công suất và sản lượng đều tăng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chi bộ Vụ VLXD sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn dịch bệnh, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra, nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước và nước ngoài có sự suy giảm. Tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Do đó, sử dụng VLXD thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng phát triển và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam trong những năm tới.
Trong thời gian tới, Chi bộ Vụ VLXD sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy những mặt tích cực đã đạt được trong nhiệm kỳ trước và khắc phục những mặt hạn chế trong nhiệm kỳ trước chưa làm được. Quy chế dân chủ tiếp tục được thực hiện nghiêm chỉnh trong các mặt công tác, chuyên môn. Cấp ủy, lãnh đạo, Công đoàn luôn có sự phối hợp và thống nhất cao trong từng công việc của Vụ.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để quản lý nhà nước trong lĩnh vực VLXD ngày một hoàn thiện hơn. Nghiên cứu và có dự báo kịp thời đối với cung cầu VLXD trên phạm vi cả nước. Triển khai phổ biến và chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển VLXD giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050. Thực hiện từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Đôn đốc các nhà máy xi măng triển khai nghiên cứu, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung trong các nhà máy xi măng để phát điện;
Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Xi măng, Bộ Công Thương tăng cường hợp tác giữa các đơn vị xuất khẩu sản phẩm xi măng nhằm tăng hiệu quả cho DN và cho đất nước; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án xi măng trong kế hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, rà soát, đôn đốc các địa phương thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị 10, Thông tư 13 và thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công theo các vùng, miền; Tăng cường công tác quản lý trong xuất khẩu VLXD và khoáng sản làm VLXD. Kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 05/2019/TT-BXD về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các cơ chế chính sách cho các DN cơ khí xây dựng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung, xử lý tro xỉ, thạch cao.
Ngoài các lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học cũng là hoạt động được ưu tiên hàng đầu. Trong nhiệm kỳ mới này, Vụ VLXD sẽ lựa chọn trọng tâm các Đề án để phục vụ hiệu quả công tác quản lý ngành VLXD; hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng và giá trị sử dụng cao các dự án sự nghiệp kinh tế, các dự án, đề án nghiên cứu khoa học được Bộ giao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn dịch bệnh, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra, nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước và nước ngoài có sự suy giảm. Tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Do đó, sử dụng VLXD thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng phát triển và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam trong những năm tới. |
Khánh Diệp (thực hiện)
Theo