(Xây dựng) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 567 và Chỉ thị 10), Chương trình đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vướng mắc cơ bản vẫn nằm ở nhận thức của chủ đầu tư, DN vẫn còn hạn chế, trong khi một số địa phương lại chưa mặn mà thực hiện chương trình.
Không lùi thời hạn thực hiện Thông tư 09
Là một trong những địa phương xin lùi thời hạn thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng (gọi tắt là TT 09), ông Trà Dương Thắng, PGĐ Phụ trách Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết: Cái khó nhất đối với Bình Thuận là tỉnh chưa có đơn vị sản xuất VLXKN nên phải mua từ các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa về nên giá thành đội lên cao, ngân sách không kham nổi. Dù đã kêu gọi đầu tư 2-3 năm nay, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có DN nào đầu tư vào lĩnh vực này.
“Đương nhiên chúng tôi không khuyến khích sản xuất gạch nung, nhưng đến thời điểm này phải thừa nhận là vẫn còn tồn tại, và chúng tôi vẫn phải sử dụng cho đạt kế hoạch đề ra về xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, vấn đề rất khó ở chỗ, nếu xây bằng gạch nung thì không thanh quyết toán được, còn xây bằng gạch không nung giá thành lại đội lên cao, ngân sách không kham nổi. Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ Xây dựng về vấn đề này. Trong tương lai, Bình Thuận mong muốn được phát triển gạch từ xi măng cát. Hiện đã có một vài đơn vị thử nghiệm sản xuất loại gạch này, qua kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn như gạch đất sét nung. Tuy nhiên, do loại gạch này chưa có trong định mức nên khi sử dụng không thanh quyết toán được”, ông Thắng cho hay.
Bình Thuận không phải là địa phương duy nhất xin lùi thời hạn thực hiện Thông tư 09. Đến nay đã có trên 20 tỉnh trong cả nước gửi công văn về Bộ Xây dựng xin được lùi thời hạn thực hiện TT 09 vì nhiều lý do khác nhau. Đơn cử như tại tỉnh Bến Tre, ngay sau khi phát hiện ra vết nứt trên một số công trình sử dụng VLXKN, UBND tỉnh đã quyết định tạm ngưng việc sử dụng VLXKN mà chuyển sang dùng vật liệu nung, dù chưa tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân xuất hiện các vết nứt có phải là từ VLXKN không, hay từ những yếu tố kỹ thuật khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2013 và đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản đồng ý để hơn 10 tỉnh được lùi thời hạn thực hiện TT 09. Đó là những địa phương có khó khăn về nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên… nên chưa phát triển được VLXKN theo yêu cầu của TT 09, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền núi. Tuy nhiên, từ tháng 8/2014 đến nay, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ cũng như TT 09 của Bộ Xây dựng, giữ nguyên lộ trình thực hiện chương trình. Với tỉnh Bến Tre, khi biết thông tin trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bến Tre nghiên túc thực hiện Thông tư 09 và yêu cầu tỉnh kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục.
Tăng cường công tác thanh tra, xử phạt
Theo ông Bắc, có địa phương triển khai chương trình VLXKN từ rất sớm, nhưng vẫn để vật liệu nung còn phát triển nhiều, hoặc chưa có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình, hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Trong khi đó, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN nói riêng và bê tông khí nói chung, không nắm bắt được các quy định của Nhà nước nên nhầm lẫn giữa các chủng loại sản phẩm. “Ngay như tại tỉnh Bình Thuận, gạch xi măng cát mà địa phương đề xuất đưa vào định mức đó chính là gạch xi măng cốt liệu, đương nhiên đã có trong định mức. Địa phương hoàn toàn có thể phát triển loại VLXKN này”, ông Bắc khẳng định.
Tại cuộc họp về việc kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển VLXKN mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN, thay thế loại vật liệu truyền thống gây mất đất, ô nhiễm môi trường hiện nay; yêu cầu các địa phương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt việc sản xuất gạch bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đại diện các bộ, ngành cũng thống nhất chung về lộ trình thực hiện chương trình.
“Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng VLXKN, năm 2015, công tác thanh kiểm tra, xử phạt cũng sẽ được tiến hành nghiêm để thúc đẩy các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình đề ra”, ông Bắc cho biết.
“Tại tỉnh Bình Thuận, gạch xi măng cát mà địa phương đề xuất đưa vào định mức đó chính là gạch xi măng cốt liệu, đương nhiên đã có trong định mức. Địa phương hoàn toàn có thể phát triển loại VLXKN này”, ông Phạm Văn Bắc cho hay.
Vân Anh
Theo