Thứ sáu 27/12/2024 07:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa

17:24 | 09/06/2023

Nhìn từ thực tiễn phát triển đô thị thông minh của một số thành phố lớn trên thế giới, các đô thị Việt Nam cần có sự chuẩn bị với tâm thế đón đầu để nắm bắt những cơ hội to lớn mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại.

Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
Quá trình đô thị hóa ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn: ITN

Liên Hiệp Quốc ước tính có 4,2 tỷ người đang sống ở các thành phố, chiếm hơn 55% dân số toàn thế giới. Trong 30 năm tới, dân số đô thị toàn cầu có thể thêm khoảng 2,5 tỷ người nữa. Đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội công nghiệp, tuy nhiên cũng đem lại những thách thức như: khủng hoảng nhà ở, quá tải cơ sở hạ tầng, thất nghiệp, khu ổ chuột, dịch bệnh, ô nhiễm, đảo nhiệt độ, tội phạm…

Nhận thức được những thách thức to lớn đó, năm 2015, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thiết lập 17 mục tiêu toàn cầu (SDGs) nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững hơn cho mọi người. Trong kế hoạch chi tiết, các thành phố được coi là điểm nóng để đạt được những mục tiêu đó vào năm 2030 khi mà các thành phố, thông qua công nghệ thông minh sẽ tạo ra hệ sinh thái bền vững bao gồm các mối quan tâm về xã hội và môi trường.

Quy hoạch và phát triển đô thị để đối phó với những thách thức phát sinh từ quá trình đô thị hóa và tính không bền vững của các dạng đô thị hiện có là công cụ quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Cách thức mà chính quyền có thể giải quyết tốt nhất là áp dụng cách tiếp cận toàn diện các nguồn lực vào những chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy các khía cạnh bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Để đạt được mục tiêu này, phải quản trị các nguồn lực nhằm tích hợp các giải pháp công nghệ sáng tạo và mô hình tổ chức hiện đại trong lĩnh vực quy hoạch và quản trị đô thị. Do đó, sự phát triển thành phố thông minh đã trở nên nổi bật những năm gần đây như một giải pháp đầy hứa hẹn.

Tại Việt Nam, nhằm định hướng phát triển và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật liên quan đến quá trình này.

Nhờ đó, mạng lưới đô thị đã được hình thành rõ nét, trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động. Một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, đóng góp cho tăng trưởng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang...

Quy mô thị trường của ngành thành phố thông minh toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 410 tỷ USD vào năm 2020 lên 820 tỷ USD vào năm 2025 bao gồm vốn xã hội và đầu tư vào con người, kết hợp với giao thông và cơ sở hạ tầng viễn thông cho kinh tế và phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, thời gian qua đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền dẫn đến văn hóa co cụm vùng miền làm hạn chế sự phát triển; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới. Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán thiếu kết nối, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế, tăng trưởng về số lượng chưa đi đôi với chất lượng, hạ tầng chưa đồng bộ hiện đại …

Chính vì vậy, việc nghiên cứu và phân tích mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để nâng cao nhận thức chung toàn xã hội cũng như kiến nghị các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ở đây, chúng tôi xin đề xuất 5 vấn đề cụ thể góp phần đô thị hóa bền vững.

Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức chung toàn xã hội; đô thị hóa là quá trình tất yếu của sự nghiệp công nghiệp hóa bao gồm cả thách thức và cơ hội. Các đô thị được quy hoạch và phát triển kết nối tốt sẽ là nguồn lực sản phẩm vĩ mô chủ yếu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến các đô thị và hình thành khái niệm “thành phố thông minh” đem lại cơ hội to lớn để giải quyết các vấn đề cụ thể của đô thị là: quy hoạch, tòa nhà, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông…

Bên cạnh đó, để công nghệ 4.0 được tích hợp tại các thành phố thông minh, cần đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Một thành phố bền vững phải có tiêu chuẩn lành mạnh phục vụ con người sinh hoạt hòa nhập, tiết kiệm, thích ứng và bền vững ở 3 phương diện chính: nhà ở dễ tiếp cận; không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập; và hệ thống giao thông toàn diện. Thứ hai, bên cạnh thiết kế quy hoạch đô thị tốt thì thực hành quy hoạch đô thị rất quan trọng. Thứ ba, thành công của thành phố thông minh phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là một phần không thể thiếu của quy trình.

Cùng với đó, cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản với sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội để phát triển nguồn vốn vô tận cho quản trị đô thị hiện đại. Từng bước xây dựng và triển khai áp dụng công nghệ số để phát triển mô hình đô thị 2 cấp theo hướng tinh giản với cấp quận là cấp cơ sở cho thành phố trực thuộc Trung ương nhằm bảo đảm tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả của thể chế. Ngoài ra, kết nối đối tác trong nước, khu vực (đặc biệt là ASEAN) và quốc tế (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) sẽ quyết định thành công của các thành phố thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Song song với việc xây dựng mô hình mới cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để bảo đảm tính thực thi; đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.

Đồng thời, người dân trong quá trình đô thị hóa cũng cần nắm bắt cơ hội để trở thành công dân đô thị thông minh trong việc thượng tôn phát luật và tự đào tạo kỹ năng kết nối cộng đồng xã hội của thời đại công nghệ 4.0 nhằm nâng tầm đẳng cấp công dân và hội nhập, góp phần thúc đẩy, phát triển bền vững nguồn lực xã hội đô thị.

Cuối cùng, trong một thế giới đầy biến động và thay đổi khó lường, tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia phải đi trước một bước. Theo các nhà chiến lược vĩ mô thì cần xác định tầm nhìn đến năm 2050 là Việt Nam phát triển ngang tầm các quốc gia phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới. Tầm nhìn đó phải được cụ thể hóa thông qua xây dựng quy hoạch đô thị đến năm 2050 để làm nền tảng cho các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Theo TS. Đoàn Duy Khương/Daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load