(Xây dựng) - Kết luận Thanh tra số 316/KL-TTr, ngày 22/8/2016 của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại huyện Gia Lâm và một số dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn cho thấy, công tác quản lý xây dựng của UBND huyện còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn đến những thiệt cho ngân sách Nhà nước.
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm. (Ảnh: TL)
Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2010 -2015, UBND huyện Gia Lâm đã có sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, qua thanh tra, nhiều sai sót, yếu kém đã được bộc lộ, đặc biệt là công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Cụ thể, trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị, thời gian lập đồ án kéo dài không đúng theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 3/1/2012 của UBND TP. Hà Nội; thời gian phê duyệt, công bố đồ án chưa đúng quy định; dự toán tính thêm chi phí kiểm toán và chi phí dự phòng Quy hoạch phân khu đô thị N11 cũng chưa phù hợp.
Về công tác Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5000, kết luận thanh tra cho thấy, thời gian lập đồ án kéo dài, điều kiện năng lực của cá nhân tham gia thực hiện lập Quy hoạch chung xây dựng chưa được đảm bảo. Cụ thể, dự toán chi phí lập Quy hoạch chung xây dựng chưa đúng quy định; chủ trì thiết kế quy hoạch cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, nước thải, đánh giá môi trường không có chứng chỉ hành nghề.
Đối với công tác Quy hoạch xây dựng NTM, tỷ lệ 1/5000 và 1/2000, qua thanh tra 14/20 xã đã phát hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt tại các xã đều có sự chồng chéo, kém hiệu quả, gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn…
Cùng với đó là việc công bố quy hoạch, lưu trữ hồ sơ còn chậm và chưa đầy đủ theo quy định.
Sai phạm thứ nữa là công tác cấp GPXD và quản lý xây dựng theo GPXD. Kiểm tra xác suất 84/968 hồ sơ cấp GPXD từ năm 2010 đến 2015, có 54/84 hồ sơ chưa đúng quy định; kiểm tra 112 công trình xây dựng do tổ chức, cá nhân làm chủ đầu tư đã phát hiện 35/112 công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Thanh tra 16 hồ sơ thiết kế cũng phát hiện công tác lập, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt hồ sơ và dự toán xây dựng công trình chưa phù hợp, bóc tách khối lượng chưa chính xác...
Trước những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có nhiều kiến nghị xử lý. Theo đó, về mặt kinh tế, yêu cầu UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị đại diện Chủ đầu tư thu hồi 1.869.777.000 đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng; UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị đại diện chủ đầu tư giảm trừ trên 3 tỷ đồng khi thanh quyết toán các gói thầu.
Yêu cầu Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội giảm trừ khi quyết toán Quy hoạch phân khu đô thị N11 số tiền trên 300 triệu đồng đối với chi phí kiểm toán và chi phí dự phòng; Yêu cầu huyện Gia Lâm chỉ đạo thu hồi của Trung tâm Phát triển vùng SENA trên 100 triệu đồng về tài khoản của UBND huyện…
Đối với các xã trên địa bàn huyện Gia Lâm, yêu cầu UBND 5/20 xã có trách nhiệm hoàn trả gần 300 triệu đồng tiền ngân sách cho huyện Gia Lâm; 3/20 xã có trách nhiệm giảm trừ khi quyết toán với tổng số tiền trên 41 triệu đồng.
Về xử lý hành chính, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở QHKT, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng, UBND huyện Gia Lâm kiểm điểm, chấn chỉnh khắc phục kịp thời những sai sót, tồn tại đã nêu. Đặc biệt là việc tổ chức, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; tăng cường công tác quản lý sau cấp phép để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn…
Yêu cầu UBND huyện Gia Lâm, kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý việc thực hiện đồ án quy hoạch, cấp GPXD…
Trần Anh
Theo