Giá nhà đất, chung cư tăng chóng mặt khiến nhiều người chuyển hướng tìm mua tập thể cũ. Song nhiều căn tập thể đã xuống cấp vẫn được rao bán với giá cao ngất ngưởng, không thua gì các chung cư mới.
Giá nhà tập thể cũ đắt ngang chung cư mới
Vợ chồng anh Mạnh Trung (35 tuổi, Hưng Yên) có 1,8 tỷ đồng gồm tiền tiết kiệm và hai bên nội ngoại cho thêm để mua nhà Hà Nội.
Ban đầu dự tính mua căn hộ chung cư, nhưng sau mấy tháng tìm kiếm, vợ chồng anh đành từ bỏ ý định vì giá đã tăng quá cao. Dù có mua căn hộ xa trung tâm, xa chỗ làm thì vợ chồng anh cũng phải vay mượn thêm gần 1 tỷ.
Vẫn mong muốn có chốn an cư, vợ chồng anh bèn chuyển hướng mua căn hộ tập thể cũ. Khu vực ưu tiên là quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do gần chỗ làm của cả hai.
“Khi tìm hiểu, tôi choáng vì giá bán nhà tập thể không hề rẻ. Nhiều căn xây mấy chục năm nhưng giá lên đến cả trăm triệu/m2 nếu tính theo diện tích sổ đỏ”, anh Trung nói.
Anh dẫn chứng, 1 căn tập thể tầng 4 ở Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng diện tích sử dụng 75m2 (gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 WC) được rao giá 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên diện tích sổ đỏ chỉ vỏn vẹn 19m2, tính ra giá lên tới 142 triệu/m2.
Hay một căn tập thể ở Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) được rao giá 6,1 tỷ, diện tích sử dụng 113m2. Thấy nhà được sửa sang khá đẹp, diện tích rộng, bài đăng có nhiều bình luận nên anh cũng tò mò nhấn vào xem.
"Đọc bình luận thì thấy diện tích sổ đỏ chỉ là 45m2, tức giá khoảng 135tr/m2 và bị nhiều người chê “ngáo giá”, anh Trung kể.
Chị Hoàng Huyền (28 tuổi, quê Hà Nam) cũng tìm mua nhà tập thể từ 6 tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa chốt được căn nào.
Nhiều căn tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán với giá không thua gì các chung cư mới. Ảnh minh hoạ: Hồng Khanh |
Thường xuyên vào nhóm mua bán nhà tập thể trên mạng, chị ngạc nhiên bởi không chỉ các căn tập thể ở nội đô giá mới cao, mà cả những căn tập thể cũ ở xa, đã xuống cấp nghiêm trọng giá cũng không rẻ.
Như khu tập thể ở Sài Đồng, Long Biên, có căn sau khi được sửa sang giá lên tới 950 triệu đồng. Diện tích sổ đỏ 18m2, diện tích sử dụng 30m2, tức khoảng 52 triệu đồng/m2.
Có những căn nhỏ hẹp chỉ 10-15m2, giá 400-600 triệu đồng. Mức giá 40-50 triệu/m2 ngang ngửa với chung cư ở các khu vực xa trung tâm.
“Những căn này nhìn cũ, nội thất cũng không có gì, tôi thấy họ rao mấy tháng không bán được, nhưng các bài đăng càng về sau lại càng thấy giá chênh lên, tăng thêm mấy chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng”, chị Huyền cho biết.
Cần lưu ý gì khi mua tập thể cũ?
Theo môi giới Hoàng Văn Huy, giá nhà đất, chung cư tăng phi mã suốt hơn một năm qua nên nhiều gia đình trẻ, tài chính eo hẹp nhưng có nhu cầu ở thực đã chuyển hướng tìm mua nhà tập thể. Nhà tập thể cũ tại Hà Nội có lợi thế là vị trí đẹp, thường nằm gần các trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi, nhiều tiện ích xung quanh…
Nhiều người thường nghĩ nhà tập thể có tuổi đời mấy chục năm, cũ hỏng xuống cấp giá sẽ rẻ. Trên thực tế, không ít căn nằm ở vị trí đắc địa hoặc tầng 1 có thể kinh doanh, giá bán lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 nếu tính theo diện tích sổ đỏ. Tuy nhiên, các căn tập thể hầu hết đều đã được cơi nới nên diện tích sử dụng thường rộng hơn rất nhiều diện tích trên sổ.
Các chuyên gia bất động sản lưu ý, việc sở hữu một căn hộ tập thể cũ có thể đáp ứng nhu cầu ở thực trong bối cảnh giá nhà tăng cao, nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng khi mua. Người mua cần chú trọng xem xét chất lượng căn hộ, mức độ an toàn khi ở cũng như chi phí cải tạo có thể phát sinh.
Nhà tập thể cũ thường đã sử dụng lâu năm, có thể xuống cấp ở một số hạng mục như tường, hệ thống điện nước, sàn nhà, mái nhà, ảnh hưởng đến sự an toàn. Mặt khác, sau khi mua, có thể cần cải tạo để nâng cấp không gian nên hãy tính toán ngân sách phù hợp để tránh phát sinh nhiều chi phí.
Các căn hộ thường được cơi nới gấp đôi, gấp ba diện tích thực, không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố an toàn khi ở, mà phần diện tích cơi nới này còn không được xem xét bồi thường nếu khu nhà phải phá dỡ, xây dựng lại. Vì thế, người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc trước khi “xuống tiền”.
Theo Hồng Khanh/Vietnamnet.vn