Diễn biến dịch bệnh do virus Zika ngày càng phức tạp khi Brazil xác nhận có 2 trường hợp lây nhiễm virus nguy hiểm này thông qua con đường truyền máu.
Nghiên cứu loài muỗi Aedes, vật trung gian truyền virus Zika, tại phòng thí nghiệm ở trường Đại học El Salvador, thủ đô San Salvador của El Salvado ngày 3/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giám đốc trung tâm huyết học thuộc Đại học Campinas, Giáo sư Marcelo Addas Carvalho, nêu rõ kết quả phân tích gen của một đàn ông Brazil cho thấy người này đã bị lây nhiễm virus Zika mặc dù không có triệu chứng bệnh lý.
Người này trước đó đã từng nhận máu truyền từ một người mắc virus Zika hồi tháng 3 năm ngoái.
Trong khi đó, trường hợp khác cũng là nam giới đã bị lây nhiễm virus Zika sau khi tiếp nhận máu hiến, gồm cả máu của người từng mắc virus nguy hiểm này hồi tháng 4 năm ngoái.
Ông Carvalho cho biết thêm ca lây nhiễm thứ hai đã tử vong do bị trọng thương chứ không phải do virus Zika.
Theo ông, cả hai trường hợp lây nhiễm này là hiếm và nhiều khả năng là do tiếp nhận máu bị nhiễm virus Zika, bởi hai bệnh nhân đều được điều trị và theo dõi tại khu chăm sóc đặc biệt và không hề bị muỗi đốt.
Tuy nhiên, để có kết quả chắc chắn hơn, giới chức y tế nước này cần phải tiến hành phân tích gen kỹ lưỡng.
Giáo sư Carvalho cũng trấn an rằng việc lây nhiễm virus Zika thông qua truyền máu không phải là yếu tố dẫn tới sự bùng phát virus do muỗi truyền này.
Trong khi đó, tình hình dịch virus Zika cũng đã buộc chính quyền bang Florida, Mỹ mở rộng tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng sang hạt thứ 5, Broward.
Theo thống đốc bang Florida Rick Scott, với hơn 20 triệu dân và hơn 100 triệu lượt khách du lịch tới thăm, chính quyền bang này buộc phải chuẩn bị với nguy cơ virus Zika bùng phát và có hành động ứng phó tức thì.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cho biết bệnh nhân nhiễm virus Zika qua đường tình dục được thông báo trước đó cũng đã bình phục hoàn toàn.
Trước những phát hiện mới liên quan đến cách thức lây nhiễm virus Zika, chính quyền Brazil đã ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng máu không tiếp nhận máu của những người mắc virus Zika hoặc sốt xuất huyết trong vòng 30 ngày sau khi những bệnh nhân này bình phục hoàn toàn.
Hội Chữ thập Đỏ Mỹ cũng yêu cầu những người vừa trở về từ vùng dịch không hiến máu trong vòng ít nhất 28 ngày.
Bên cạnh đó, giới khoa học đang nỗ lực tìm cách thức ngăn chặn sự lây lan của virus Zika. Các chuyên gia Panama đang có kế hoạch thả hàng triệu muỗi Aedes aegypti đực biến đổi gen nhằm ngăn chặn sự sinh sôi của loài muỗi truyền virus Zika này.
Theo ý tưởng này, các nhà khoa học sẽ thả các muỗi Aedes aegypti đực đã biến đối gen để giao phối với muỗi cái. Những con muỗi con của cặp muỗi có muỗi đực biến đổi gen sẽ chết từ khi còn là ấu trùng.
Bộ Y tế Panama và Viện Gorgas, một trung tâm nghiên cứu dịch bệnh nhiệt đới, cho biết đang tính toán tính khả thi của dự án này.
Được triển khai từ năm 2014 tại một thị trấn ở phía Tây thủ đô Panama City, kết quả thí nghiệm của dự án này cho thấy lượng muỗi tại khu vực thí nghiệm đã giảm 93%.
Theo Vietnamplus
Theo