Thứ năm 08/08/2024 21:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tìm bản sắc cho kiến trúc đô thị Hà Nội:

PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng: “Những đốm lửa nhỏ sẽ dần tạo ra những trào lưu mới”

21:27 | 05/08/2024

Những năm gần đây, một số kiến trúc sư trẻ chú tâm khai thác yếu tố văn hóa bản địa trong sáng tạo kiến trúc.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là phong trào “Tân bản địa” bởi những người thiết kế dựa trên các yếu tố bản địa để làm cho các công trình kiến trúc trở nên tiện nghi hơn, hấp dẫn hơn nhưng vẫn giữ được hồn nơi chốn.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tác giả cuốn sách “Kiến trúc và con người” - tác phẩm đoạt giải Ba, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2023 - xung quanh chủ đề nói trên.

PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng: “Những đốm lửa nhỏ sẽ dần tạo ra những trào lưu mới”
PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng.

- Thưa PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng, sự xuất hiện của những công trình mang hình hài của kiến trúc phương Tây có thể coi là một trào lưu hiện nay?

- Để hiểu hơn về kiến trúc, có lẽ chúng ta cần ngược dòng quá khứ một chút. Đất nước ta có gần một thế kỷ chịu sự đô hộ của người Pháp. Khi xây dựng những công trình kiến trúc tại Việt Nam, người Pháp đã tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, môi trường để tạo nên những công trình phù hợp, chứ không bê nguyên xi kiến trúc Pháp vào Việt Nam.

Có thể nói, những công trình kiến trúc hiện đại đầu tiên của Việt Nam là do người Pháp xây dựng. Họ cũng tạo ra chất lượng cuộc sống trong đó, khiến cho người Việt bắt đầu hình thành suy nghĩ: Cuộc sống sang trọng phải là ở trong những ngôi nhà như vậy. Điều này đã ăn sâu trong tiềm thức, suy nghĩ của người Việt Nam. Và, khi cuộc sống bắt đầu dư dả, kinh tế phát triển thì chúng ta lại đặt vấn đề: Nên dùng phong cách kiến trúc nào để mô tả được sự đủ đầy đó. Và họ chợt nhớ, kiến trúc mà người Pháp đưa vào Việt Nam trước đây được coi là xa hoa, diễm lệ, giàu sang.

Chúng tôi thường nhận được những đơn đặt hàng làm nhà theo kiến trúc Pháp cổ, mặc dù họ không biết kiến trúc Pháp cổ là gì. Khi chúng ta gõ trên Google thì sẽ cho ra ngay kết quả với nhiều ngôi nhà tráng lệ. Phải thừa nhận rằng: Kiến trúc cổ điển vẫn là kiến trúc hướng đến sự sang trọng, đẳng cấp, tiện nghi, bền vững về thẩm mỹ, tinh tế về thị giác, các tỷ lệ chuẩn chỉ... khi được thiết kế dựa trên quy luật. Nếu chúng ta làm kỹ được như vậy thì không có gì phải bàn, chẳng qua nhiều người chỉ sao chép, lắp ghép mỗi thứ một chút và vô tình phá vỡ kiến trúc cổ điển mà chúng ta hay nhắc đến.

- Con đường đi tìm phong cách, bản sắc kiến trúc của ngày hôm nay là tất yếu. Anh có thể gọi tên tính bản địa trong kiến trúc Việt, đó là gì?

- Bản sắc của một dân tộc không phải là điều đơn giản, đó là quá trình chúng ta chắt lọc, lựa chọn qua thời gian. Kiến trúc gắn với từng vùng đất khác nhau, không có một kiến trúc nào đại diện cho cả một đất nước. Việt Nam có 3 miền, riêng miền Bắc cũng có những kiểu kiến trúc riêng thuộc về đồng bằng, miền núi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có đáp số chung: Việt Nam là một đất nước có khí hậu gió mùa nóng ẩm, cây xanh nhiều, môi trường thân thiện. Kiến trúc Việt Nam đều phát triển dựa trên yếu tố tự nhiên đó. Nhìn từ quá khứ, kiến trúc Việt rất hài hòa và thân thiện với môi trường, biết tôn trọng cảnh quan, tạo ra những tổng thể hài hòa, cân bằng dựa trên bối cảnh kiến trúc và cảnh quan xung quanh.

Tôi nghĩ rằng, đó chính là bản sắc kiến trúc của chúng ta. Khi người nước ngoài đến nước ta, họ cũng mong muốn được tìm hiểu cách thức người Việt đã thực hành kiến trúc như thế nào để tạo nên những không gian xinh xắn, nhẹ nhàng như vậy. Ngày nay, chúng ta nói nhiều về việc phát huy thế mạnh của kiến trúc sinh thái, nhưng về bản chất thì trước đây cha ông ta cũng đã làm kiến trúc sinh thái rất nhiều. Gợi lại câu chuyện của cha ông cũng chính là chất liệu để chúng ta tạo ra bản sắc mới cho kiến trúc nước nhà.

Tất nhiên, chúng ta không thể lấy kiến trúc cổ Việt Nam để dùng trong cuộc sống đương đại. Kiến trúc ấy cần được “hiện đại hóa”, cũng có thể gọi là “Tân bản địa” - thì lúc ấy mới dễ dàng nhận được sự ủng hộ của xã hội. Hiện nay, trong giới trẻ xuất hiện trào lưu âm nhạc dân gian đương đại - kết hợp âm nhạc dân gian với nhạc điện tử, điều đó khiến nhiều bạn trẻ tò mò, muốn tìm hiểu về vốn cổ mà cha ông để lại. Tôi nghĩ rằng, kiến trúc Việt Nam cũng nên như thế. Có nghĩa là chúng ta vận dụng kiến trúc cổ dưới con mắt một người đương đại, làm cho nó cập nhật với thời cuộc nhiều hơn. Còn nếu cứ bê nguyên xi kiến trúc cổ Việt Nam đặt vào thời đại bây giờ thì chính chúng ta đang bị nệ cổ, nhại cổ.

PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng: “Những đốm lửa nhỏ sẽ dần tạo ra những trào lưu mới”
Ngôi nhà mang tên “Bắc Hồng” tại Đông Anh, Hà Nội - công trình đoạt giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2018.

- Điều kiện về diện tích đất ở của người dân hiện nay khác xa so với trước đây, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội - nơi đất chật người đông. Hẳn điều này cũng là thách thức với các kiến trúc sư trong hành trình sáng tạo?

- Hồi tôi là sinh viên, giảng viên cho chúng tôi xem bức ảnh về một tòa nhà cao tầng, phía trên là một bộ mái lớn. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi phì cười. Vấn đề ở đây là vận dụng kiến trúc cổ chưa hợp lý. Hãy tưởng tượng ngày xưa cha ông ta thường sử dụng nón lá, nhưng nếu bây giờ chúng ta mặc bộ comple, đội nón lá và nói rằng đang vận dụng kinh nghiệm cha ông thì sẽ thấy không hợp lý.

Thầy của tôi cũng chia sẻ: Nếu làm như vậy thì mới chỉ là sự vận dụng về mặt vật chất mà thôi nên trong một chừng mực nào đó, vật chất ấy sẽ không đáp ứng được mong muốn của chúng ta. Người thiết kế phải vận dụng được tinh thần - những yếu tố phi vật chất của kiến trúc Việt. Tại sao người Việt Nam thường sử dụng nón lá. Bởi khí hậu mưa nhiều, nắng nhiều, chúng ta cần che nắng để các hoạt động sinh hoạt diễn ra bình thường. Đó cũng là bản chất của những mái che lớn ở các công trình.

Tôi nghĩ rằng, những công trình mới nên tận dụng bản chất đó bằng những yếu tố kiến trúc mới, nhưng vẫn đáp ứng được trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Kinh nghiệm của cha ông trong xây dựng được đúc rút qua nhiều đời, đã trở thành một “cách thức ứng xử” với mỗi vùng đất, địa phương. Việc của chúng ta là vận dụng cách ứng xử kiến trúc ấy dưới một hình hài vật chất mới.

- Anh có lạc quan không khi việc tìm ra phong cách kiến trúc mới cho thời đại của chúng ta mới chỉ dừng lại ở những cá nhân, những “đốm lửa nhỏ”?

- Để tạo ra một phong trào lớn thì cần có những người đi tiên phong. Đầu tiên chỉ là những “đốm lửa nhỏ” nhưng dần sẽ tạo ra những trào lưu mới. Xã hội sẽ không thay đổi nếu con người không muốn thay đổi. Để tìm ra được cái gọi là “Tân bản địa” thì không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đối diện với rất nhiều khó khăn. Tôi đánh giá cao những kiến trúc sư mong muốn đưa bản sắc vào kiến trúc Việt Nam đương đại.

Ngày nay, nhiều kiến trúc sư trẻ được học tập bài bản, sản phẩm thiết kế của họ cũng ngày càng thú vị hơn. Nhiều người trong số đó còn có nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, được học cách thức giải mã “bản sắc”, hiểu được tinh thần của nơi chốn. Có thể bây giờ xã hội chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ. Nhưng đã đến lúc chúng ta nhìn nhận bản chất cuộc sống là bản chất nền văn hóa, lúc ấy bắt đầu điều chỉnh lại hành vi của mình, để trở nên bền vững hơn.

Do vậy, cần có những con người tiên phong, tạo ra một ngôn ngữ kiến trúc mới, để từ đó xã hội chấp nhận. Nếu bây giờ chúng ta thỏa hiệp, vẫn sử dụng ngôn ngữ kiến trúc bên ngoài để xây dựng nên các công trình kiến trúc Việt Nam thì chúng ta sẽ không có cái gì gọi là bản sắc Việt Nam đương đại.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng!

Theo Mai Đình/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load