(Xây dựng) - Năm 2024, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên, sinh thái, văn hóa, lịch sử và sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình nỗ lực, quyết tâm xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Tỉnh Ninh Bình nỗ lực, quyết tâm xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Gần 30% diện tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền của Việt Nam. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn. Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, là một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014 và là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong tổng diện tích 21.000 ha đô thị Ninh Bình thì diện tích Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An chiếm khoảng 12.000 ha, trong đó vùng lõi di sản là 6.000 ha với điển hình nhất là Cố đô Hoa Lư, với hàng nghìn năm lịch sử là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền ở Việt Nam.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, trong thời gian tới, TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ được hợp nhất để trở thành TP Hoa Lư, nghĩa là gần như toàn bộ phạm vi quy hoạch chung đô thị Ninh Bình sẽ trở thành TP Hoa Lư trong tương lai và thành phố mới sẽ có gần 30% diện tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội), hệ sinh thái thiên niên kỷ gồm Hệ sinh thái thiên nhiên và hệ sinh thái văn hóa đã tồn tại nhiều thiên niên kỷ, có thể là hàng ngàn năm và được các nhà khoa học hàng đầu quốc tế nghiên cứu, biểu hiện các nội dung cốt lõi của chúng thông qua đánh giá Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên (cung cấp, điều tiết và hỗ trợ) cộng sinh với Dịch vụ hệ sinh thái di sản - văn hóa (văn hóa - di sản, thẩm mỹ, tinh thần, giải trí), tiến tới thiết lập các Chuỗi giá trị du lịch di sản văn hóa và công nghiệp văn hóa thời kỳ hậu hiện đại, để cùng sản xuất các giá trị văn hóa lịch sử đương đại và các giá trị phát triển tiếp nối (từ nhận thức và hành động), để bảo tồn và phát triển loài người trong tương lai.
Đô thị di sản thiên nhiên kỷ
Ở Việt Nam, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - Ninh Bình là một Di sản thế giới hỗn hợp, đáp ứng tổng hòa các nội dung cốt lõi của Hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ, đủ nền tảng và giá trị khoa học để phát triển tiếp nối Hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ Tràng An vào tổ chức đô thị và đời sống đương đại. Càng đặc biệt hơn nữa khi Cố đô Hoa Lư được công nhận di sản thế giới, có vai trò to lớn và ý nghĩa chủ quyền, bản sắc văn hóa đối với quốc gia, mang đến cảm giác tự tôn dân tộc, thúc đẩy chủ quyền quốc gia.
Cũng theo PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục thì nội hàm của Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư được biểu hiện tại các điểm như: Hạ tầng du lịch xanh và công nghiệp di sản - văn hóa (là hạ tầng phát triển - điều kiện nền cho sản xuất sản phẩm văn hóa đặc sắc); tích tụ và hấp dẫn “dân số chất lượng cao” đến định cư trong đô thị di sản thiên niên kỷ tương lai; hình thành kinh tế trí thức và kinh tế sáng tạo - nghệ thuật; hình thành công nghệ thực tế ảo cho diễn giải di sản phục vụ du lịch di sản thiên nhiên và văn hóa thiên niên kỷ.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Ninh Bình ông Đinh Đức Hữu cho biết: Điều chỉnh quy hoạch chung năm 2023 đưa đô thị Hoa Lư lên tầm nhìn “Đô thị di sản thiên nhiên kỷ”, có tính chất trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hoá và tổ chức sự kiện lớn của quốc gia, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình, đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Việc điều chỉnh quy hoạch này nhằm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hoá - lịch sử của công người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Xây dựng thương hiệu phát triển du lịch, phát huy giá trị gắn với bảo tồn tôn tạo di sản và hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Tại Hội nghị khoa học bàn về Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Phạm Quang Ngọc đã nhấn mạnh: Để phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng TP Hoa Lư trong tương lai trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ thì Ninh Bình cần có cơ chế chính sách đủ mạnh và phù hợp như: Nhóm các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, nhằm làm rõ sự cần thiết xác định vai trò, vị trí và tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ của TP Hoa Lư nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp trên để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản; nhóm cơ chế, chính sách tạo ra nguồn lực tập trung về nội dung tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; nhóm cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư tập trung vào xem xét các cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa… Nhóm cơ chế chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chú trọng các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế chăm sóc sức khỏe…
Di tích Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An là tài sản vô giá của đất nước Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Bảo tồn toàn vẹn di sản là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, là địa phương hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng, thế mạnh vững chắc cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã, đang và sẽ nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra, để xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 và là Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Anh Tú
Theo