(Xây dựng) - Giấc ngủ là một trong những hiện tượng chưa được khám phá hết, những giấc mơ - một phần của giấc ngủ - cũng là một yếu tố mà chúng ta chưa thể hiểu rõ được.
Tại sao có người có giấc mơ, có người lại chìm sâu sự tĩnh lặng của giấc ngủ? Tại sao lại tồn tại những giấc mơ đẹp, tại sao lại tồn tại những cơm ác mộng? Bao năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng đi sâu vào bộ não của con người, cố tìm lời giải thích thỏa đáng cho những câu hỏi hóc búa này.
Trên thực tế, giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi những tổn thương và là một trong những quá trình nạp lại năng lượng cho chúng ta. Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào trên cơ thể đều được nghỉ ngơi khi chúng ta đang chìm vào trong giấc ngủ.
Ở một số người, khi chìm vào trong giấc ngủ, họ vẫn còn nhìn thấy những hình ảnh, tai họ dường như vẫn nghe thấy những tiếng động. Những giấc mơ chính là bằng chứng rõ ràng nhất nói với chúng ta rằng bộ não vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta tưởng chừng toàn bộ cơ thể đang nghỉ ngơi.
Tác động của giấc mơ
Dựa trên một nghiên cứu được công bố trên Journal of Personality and Social Psychology, chúng ta biết được rằng con người không chỉ ghi nhớ và nghĩ về những giấc mơ một cách đơn giản. Trên thực tế, rất nhiều người nhìn nhận những giấc mơ là điềm báo trước cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai tùy theo cách hiểu cũng như niềm tin của mỗi người.
Trong một cuộc thử nghiệm tại Boston, 182 người phải cố tưởng tượng về 4 tình huống: mức báo động toàn quốc tăng cao; họ nghĩ về máy bay rơi; họ có giấc mơ về máy bay rơi; một chiếc máy bay mà họ dự định đặt vé thật sự rơi. Cuối cùng, kết quả thu được từ nhóm người này là tình huống khi họ mơ thấy một chiếc máy bay bị rơi ảnh hưởng đến đầu óc họ, khiến họ căng thẳng hơn 3 tình huống còn lại.
Ác mộng thực sự là một điềm báo
Bản thân những giấc mơ có phải là những dự báo trước cho tương lai không còn là điều sẽ phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, những cơn ác mộng thực sự là một điềm báo đối với chúng ta.
Những cơn ác mộng thường là nguyên nhân khiến cho con người gào, thét, đấm đá, quẫy đạp, khóc lóc trong khi ngủ, thậm chí là vài chục phút sau khi bừng tỉnh. Những giấc mơ dẫn đến hành vi bạo lực như vậy là một dấu hiệu xấu, cảnh báo chúng ta về một điểm sai lệch, hỏng hóc nào đó đang xảy ra trong tâm trí, não bộ bao gồm cả bệnh parkinson lẫn chứng mất trí, tâm thần phân liệt.
Những giấc mơ giúp trí não giải quyết rắc rối
Theo nhà tâm lý học tại Đại học Harvard, bà Deirdre Barrett, những giờ chìm đắm trong giấc ngủ có thể giúp chúng ta tìm thấy lời giải cho những câu hỏi mà dưới ánh sáng ban ngày, chúng ta không thể tìm ra. Thế giới phi logic trong giấc mơ là một khu vực lý tưởng giúp đầu óc chúng ta có thể hoạt động. Trong giấc mơ, đầu óc của con người không còn bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào nữa và có thể vượt qua được những giới hạn mà ban ngày chúng ta không thể bước qua nổi.
Trong giấc mơ, bộ não vẫn hoạt động nhưng giấc ngủ và những giấc mơ lại là điều kiện cần thiết để bộ não có thể nạp năng lượng, thư thái hơn và giúp chúng ta sẵn sàng giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Có lẽ, chính vào thời điểm này, khi bộ não vẫn còn tích đủ năng lượng, con người mới có khả năng suy nghĩ và lập luận một cách tốt nhất.
Giấc mơ ngăn ngừa rối loạn tâm thần
Gần đây, nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm: đối tượng được phép ngủ 8 tiếng đồng hồ, nhưng họ đã bị thức giấc trong giai đoạn ban đầu của mỗi giấc ngủ. Sau ba ngày, tất cả bọn họ đều khó tập trung, có chứng ảo giác và tính dễ kích thích khó hiểu, đây là các dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn tâm thần. Vì vậy, nếu bạn được ngủ sâu, có những giấc mơ, chứng rối loạn tâm thần sẽ được ngăn chặn.
Khánh Phương
Theo