(Xây dựng) – Do thiếu chỗ để xe, nhiều chủ phương tiện đã đỗ xe trái phép dưới lòng đường, gây ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Ngõ 210 Hoàng Quốc Việt thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường, bởi xe ô tô đỗ tràn lan dọc hai bên hè phố, chiếm phần lớn diện tích của con ngõ. |
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, tình trạng người dân tự ý chiếm dụng lòng đường để đỗ xe ô tô tại nhiều tuyến đường không có biển báo cho phép dừng, đỗ xe trên địa bàn Thành phố ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không chỉ diễn ra vào buổi tối mà tình trạng đỗ xe trái phép này còn diễn ra vào ban ngày, khiến đường phố trở nên lộn xộn, cản trở giao thông.
Nguyên nhân chính của vấn đề này là do số lượng ô tô tăng nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế và công tác quản lý chưa chặt chẽ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến đường như đường Hoàng Quốc Việt, Khu đô thị Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy), các tuyến đường dọc hồ Tây (quận Tây Hồ), phố Nguyễn Văn Lộc, đường Quang Trung (quận Hà Đông)… thường xuyên xuất hiện tình trạng xe ô tô đỗ xe dưới lòng, lề đường, thậm chí trùm bạt đỗ nhiều ngày không di chuyển gây cản trở giao thông.
Ô tô đỗ kín lối ra vào của tòa nhà, khiến người trong văn phòng thường xuyên rơi vào tình trạng bị mắc kẹt không thể ra ngoài. |
Trước tình trạng ô tô dừng, đỗ “vô tội vạ”, chị Hải Phương, người thuê mặt bằng để làm văn phòng tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) bức xúc, vì công ty của chị có vị trí 2 mặt tiền, vỉa hè rộng, lòng đường phía trước cũng thông thoáng nên ngày nào cũng trở thành địa điểm để các chủ xe ô tô quanh đó dừng đỗ trái phép. “Họ thường đỗ vào buổi chiều tối, sau giờ tan tầm và di chuyển đi vào buổi sáng. Thế nhưng có những hôm chủ xe chưa kịp đánh xe đi, nhân viên công ty tôi phải đứng chờ họ đến mới để xe vào được, bởi ô tô đã đỗ kín hết lối đi vào nhà”, chị Phương chia sẻ.
Người dân sinh sống tại khu phố Hoàng Quốc Việt cho biết, nơi đây vốn có cả vỉa hè lẫn lòng đường rộng rãi, nhiều cây xanh rất thoáng mát. Tuy nhiên, không gian lòng đường tại đây đã bị “chiếm dụng” triệt để thành nơi đỗ ô tô trái phép trong nhiều năm. Diện tích đường của người dân bị thu hẹp lại, thậm chí, có nhiều hôm, trong ngõ còn bị tắc đường do xe ô tô để dọc hai bên đã chiếm gần hết phần đường đi lại.
Ô tô đỗ thành hàng trên lòng đường dưới chân ga Văn Khê (quận Hà Đông). |
“Có nhiều xe ô tô còn để một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường, chiếm trọn cả không gian công cộng. Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, có khi còn viết giấy nhắc nhở họ, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đoạn đường này vốn đã nhỏ hẹp, thường xuyên bị lấn chiếm vỉa hè bởi có nhiều hàng quán, giờ lại còn bị chiếm cả lòng đường, người dân chẳng biết phải xử trí ra sao”, ông Minh Lâm, trú tại đường Quảng An (quận Tây Hồ) cho hay.
Người dân tại một số khu vực đã nhiều lần lên tiếng, báo cáo các cấp chính quyền thông qua ứng dụng iHanoi, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra thường xuyên khiến nỗ lực của người dân và các cơ quan chức năng chỉ như “muối bỏ bể”.
Theo lời một người chủ xe ô tô đỗ trái phép dọc đường Quảng An (quận Tây Hồ), vì diện tích nhà nhỏ hẹp, không thể xây thêm hầm để xe, những bãi gửi xe tại khu vực đó lại phải đi khá xa và có chi phí cao, nên người này đã “tiết kiệm” phí gửi xe bằng cách đỗ một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường.
Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Hội Luật gia Việt Nam), Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm ở các tuyến đường lớn, khu vực trung tâm thành phố. Để Nghị định 100/2019/NĐ-CP phát huy hiệu quả, cùng với việc nâng cao mức phạt đối với đối tượng vi phạm, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để nâng cao ý thức người dân.
Hà Trần
Theo