Thứ sáu 08/11/2024 16:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Nhiều ý kiến trái chiều về quy định cho thuê căn hộ ngắn hạn

12:09 | 30/10/2020

(Xây dựng) – Với tốc độ phát triển của đô thị và công nghệ hiện đại, loại hình căn hộ cho thuê ngắn hạn đã và đang bị “biến tấu”, có những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này, vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

nhieu y kien trai chieu ve quy dinh cho thue can ho ngan han
Nhiều chủ căn hộ chung cư đang khai thác nhà của mình để kinh doanh lưu trú ngắn hạn.

Nhu cầu của thị trường

Trên thế giới, hình thức cho thuê căn hộ qua Airbnb, Booking, Traveloka… (những mô hình kết nối người cần thuê và người có phòng cho thuê) là phương thức được áp dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, xu thế này cũng đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu mới của người dùng. Đặc biệt, với giá cả được niêm yết rõ ràng, hình ảnh trực quan sinh động, hình thức này “nở rộ” nhiều nhất ở các thành phố du lịch. Cụ thể, các chủ nhà sẽ liên kết với đơn vị lữ hành để cho khách du lịch thuê căn hộ theo dạng homestay.

Thực tế cho thấy, lưu trú căn hộ đã và mang lại cho thị trường sự phong phú, đa dạng về dịch vụ. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, không bị phụ thuộc và một loại hình dịch vụ, được tự do trải nghiệm.

Tuy nhiên, nhiều căn hộ cho thuê ngắn hạn đã “hô biến” thành địa điểm tệ nạn như: Sản xuất ma túy, tổ chức cờ bạc, cho vay nặng lãi… Được biết, tình trạng này càng phổ biến và phức tạp ở những địa phương đang phát triển du lịch mạnh như: Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…

Điểm lại, vào tháng 4/2020, Công an quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã liên tiếp phát hiện nhiều nhóm đối tượng từ các địa phương khác đến thuê căn hộ chung cư cao cấp trên địa bàn để tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy, bay lắc và tổ chức mua bán dâm. Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng triệt phá một đường dây môi giới mại dâm có sử dụng ma túy với giá 25 triệu đồng/lượt trong một căn hộ chung cư cao cấp dạng homestay.

Tại các thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang - nơi có hàng chục nghìn căn hộ tự kinh doanh, tình trạng càng phức tạp. Một số dự án condotel, chung cư mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) đã có quy định cho thuê, kinh doanh gì cũng phải khai báo, kê khai với đơn vị quản lý tòa nhà, nhưng vẫn phát hiện hàng chục người trong căn hộ chỉ được phép 2 - 3 người ở thuê.

Hiện nay, Nhà nước khuyến khích và không cấm đầu tư, kinh doanh cơ sở lưu trú theo loại hình căn hộ kinh doanh du lịch hoặc nghỉ dưỡng. Tuy nhiên chưa có đầy đủ khung pháp lý để quản lý các căn hộ kinh doanh lưu trú loại hình homestay. Hơn nữa, việc cấp giấy phép kinh doanh loại hình này từ phía cơ quan quản lý đang thiếu chặt chẽ, cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát chưa thường xuyên, thiếu các chế tài xử lý vi phạm cũng như ý thức của người cho thuê – người sử dụng vẫn còn yếu kém… dẫn đến hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê để hoạt động tội phạm.

Quy định của pháp luật

Liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ ngắn hạn, Bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật về nhà ở đã có quy định chi tiết với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định: Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà Luật không cấm. Đồng thời, tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư, như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...

Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị nghiêm cấm.

Cũng tại điểm e, Khoản 1, Điều 39 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định: Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như có trách nhiệm thông báo kịp thời về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mặt khác, tại khoản 3, Điều 48 và Khoản 2, Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

nhieu y kien trai chieu ve quy dinh cho thue can ho ngan han
Căn hộ cho thuê ngắn hạn, tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh, trật tự tại nhiều dự án chung cư.

Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở đã có quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm như: Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ; kinh doanh vũ trường...

Nhiều luồng ý kiến

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao... Vì thế, Bộ Xây dựng nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Có thể nói, khó khăn nhất chính là công tác quản lý. Nếu muốn nới lỏng quy định, bắt buộc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và chính quyền cấp phường/xã. Đồng thời, chủ nhà cũng phải nghiêm túc khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đồng quan điểm, TS.Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ: “Nhiều nước trên thế giới cũng cho phép sử dụng căn hộ để kinh doanh cho thuê và có kèm theo những quy định cụ thể. Ví dụ, một năm chủ sở hữu được khai thác cho thuê bao nhiêu thời gian, phải đăng ký với cơ quan chính quyền để nộp thuế. Đây là một hình thức lưu trú mới, vừa tạo nguồn thu nhập cho các chủ hộ, vừa tăng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch nên cần được ủng hộ. Vì lẽ đó, nếu dùng biện pháp hành chính ngăn cấm, chưa chắc giải quyết triệt để tiêu cực, mà còn có thể dẫn đến việc Nhà nước thất thu thuế. Điều chúng ta cần là biện pháp quản lý tốt, chế tài xử lý khi vi phạm xảy ra”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác cũng cấm hoặc hạn chế việc cho thuê căn hộ ngắn ngày. Điển hình như Thái Lan coi hình thức này là bất hợp pháp, Singapore thì hạn chế, Đài Loan tăng mức phạt nếu việc cho thuê phát sinh ra các vấn đề vi phạm pháp luật, Nhật Bản yêu cầu chủ căn hộ phải đăng ký với chính quyền, đáp ứng các quy tắc riêng của từng địa phương…

Báo điện tử Xây dựng cũng ghi nhận một số ý kiến của người dân xoay quanh vấn đề trên. Theo đó, đa số cư dân sống tại chung cư trên địa bàn Hà Nội bức xúc: Hiện nay các căn hộ các tòa nhà người mua cho thuê lại rất bát nháo, đa số sống thuê tạm bợ qua ngày nên rất mất an ninh trật tự. Đây là lỗ hỏng rất lớn về an ninh tại các khu căn hộ cho người thuê lại mà chủ hộ không ở tại địa phương.

Chị L.T.L (sống tại Hà Nội) kịch liệt phản đối chuyện cho du khách thuê căn hộ. Chị L.T.L cho rằng: “Cái gì ra cái đó, kinh doanh thì đăng ký làm nhà trọ, khách sạn... còn căn hộ để ở thì chỉ để ở, đừng nhập nhằng. Chung cư tôi có một số người cho du khách thuê căn hộ, phải nói là đông đúc, ồn ào... không ngủ nghỉ gì được. Ngày cuối tuần ở nhà chỉ muốn yên tĩnh nghỉ ngơi mà ồn ào không chịu nổi”.

Ngược lại, anh V.M.C chia sẻ: “Tôi có một căn hộ ở gần biển trong miền Trung cũng cho thuê. Người ta thuê của tôi và một vài căn khác để làm du lịch. Tôi thấy họ làm ăn có bài bản và cũng đông khách. Tại sao không hợp pháp hóa để tạo thêm công ăn việc làm và Nhà nước cũng thu được thuế?”.

Cũng như anh V.M.C, anh N.P thậm chí còn tham gia “săn” các căn hộ để cải tạo thành homestay, cho thuê ngắn hạn. Chủ nhà cũng có thể tạo ra thu nhập từ việc cho thuê nhà, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu quản lý tốt việc cho thuê, Việt Nam sẽ thu về một lượng ngoại tệ lớn, Nhà nước cũng có thể thu thuế từ việc làm này.

Bà N.T.T cho rằng “Cứ tuân thủ theo pháp luật quy định mà làm. Luật không cho phép thì phải chấp hành, còn làm chui là vi phạm pháp luật và cần xử phạt. Không nên “du di”, thay đổi quy định”.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load