Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, ngoài giờ học hàng trăm học sinh phải lặn lội hàng chục kilômét đường rừng vào tận các ngọn đồi, khe núi, ngâm mình dưới dòng nước bẩn, lạnh ngắt đào đãi quặng thiếc.
Việc khai thác quặng khiền sông suối bi cày sới tan hoang.
Vất vả mưu sinh
Con đường rải nhựa cấp phối vào xã Châu Hồng bị băm nát, cứ một đoạn chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xe tải, xe ben chở quặng thiếc từ khu vực mỏ chạy ngược ra thị trấn Quỳ Hợp. Mất gần 2 giờ đi xe máy “đánh vật” với những ổ gà, ổ voi chúng tôi mới vào được xã Châu Hồng - "thủ phủ" quặng thiếc huyện Quỳ Hợp. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu vực Piếng Tỏ, Bản Công, nơi tập trung nhiều điểm khai thác quặng thiếc. Tiếng máy xúc, máy ủi, máy đãi quặng… náo động cả một khúc rừng. Từ trên đỉnh núi những máng đãi quặng lớn xả từng đợt bùn đất xuống khe suối chảy qua khu vực Bản Công.
Lầm lũi trong các đống bùn đất phía dưới các khe nước là hàng chục đứa trẻ từ 10 - 16 tuổi đang tranh giành nhau những đùn đất để mót quặng. Thấy sự xuất hiện của người lạ, nhiều ánh mắt thao láo nhìn về phía chúng tôi, một lúc không thấy gì bất thường cả nhóm lại hì hục đào bới đất đá tìm quặng. Men theo đường đồi dốc đứng chúng tôi xuống khu vực khe nước nơi các em đang tìm quặng. Bắt chuyện với một em gái có thân hình gầy, nhỏ thó tên Vi Thị Lan (13 tuổi), học sinh lớp 6, Trường THCS xã Châu Hồng chúng tôi mới biết là bất kể nắng hay mưa ngày nào các em cũng ra suối tìm quặng. “Nhà bố mẹ em nghèo lắm, nhiều hôm chẳng có cái gì ăn, đi mót quặng như thế này một ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng để mua gạo, mua rau ăn…", Lan tâm sự.
Vất vả, khổ cực và nguy hiểm là cảnh mà hàng ngày những đứa trẻ đi mót quặng ở đây đang phải đối diện, chỉ cần một sơ suất nhỏ là các em có thể bị vùi lấp trong bùn đất, hoặc rơi xuống khe sâu. “Để lấy được quặng phải trèo lên các rãnh thoát nước của các Cty, ở đó nhiều quặng nhưng nguy hiểm, nếu không may trượt chân là rơi xuống khe núi ngay. Đợt trước bạn em đang lấy quặng không may bị ngã gãy mất tay phải, giờ còn chưa kịp tháo bột. Biết là nguy hiểm nhưng đói quá không có cái ăn nên phải đi làm thôi”, em Định ở xã Châu Hồng cho biết.
Tại khe Cài Cón ở khu vực Thung Bốn, xã Châu Hồng đoạn gần Cty TNHH Lạng Sơn khai thác thiếc có rất nhiều em nhỏ đang cặm cụi đào bới đất đá tìm quặng. Thân hình đen đúa, mặt mũi hốc hác, nhìn các em làm việc quần quật giữa đống bùn đất không ai nghĩ các em đang ở tuổi cắp sách đến trường. Em Lô Minh Hoàng hồn nhiên cho biết: "Các bạn ở đây đều là học sinh, một buổi đến trường còn một buổi tranh thủ đi tìm quặng. Đi làm thế này mệt nhưng vui vì một ngày cũng kiếm được mấy chục ngàn giúp gia đình”.
Xã không muốn làm căng
Tại các khe suối dọc theo các xã Châu Thành, Châu Hồng, Châu Cường, Châu Tiến… huyện Quỳ Hợp nơi nào có quặng thiếc nơi đó ắt có những đứa trẻ mưu sinh bằng nghề mót quặng. Các em làm việc là để có cái ăn, để có tiền mua sách vở, để được đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Em Bùi Văn Tuấn, xã Châu Thành tâm sự: “Nhà em vất vả lắm! Mẹ em sức khoẻ yếu, bố cũng đi làm khai thác quặng, chị gái học lớp 9 cũng đang đi mót quặng như em. Nhà nghèo nên buổi đi học buổi em tranh thủ xuống khe Nậm Huống mót quặng. Đi làm thì mới có cái ăn, có tiền mua sách vở đi học, đi học vui lắm, em muốn được đến trường cùng các bạn chứ không muốn ở nhà”.
Ông Lô Văn Mậu - Chủ tịch UBND xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết: "Tình trạng người dân đi mót quặng tại khu vực khe Nậm Huống đã có từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, việc các em nhỏ cũng tham gia làm quặng thì mới diễn ra mạnh từ khoảng 1 - 2 năm nay. Các em làm vì nhà nghèo quá không có cái ăn, cái học nên mới đi. Xã cũng nhiều lần đi kiểm tra, yêu cầu người dân không đãi quặng trái phép tại khe suối gây ô nhiễm môi trường nhưng xem ra rất khó vì âu cũng chỉ do miếng cơm, manh áo nên xã cũng không nỡ nào làm căng".
Ông Vi Thanh Tường - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cho hay: Là vùng giàu có về tài nguyên khoáng sản nhưng thực tế sự giàu có về khoáng sản chưa mang lại những thay đổi sâu sắc, toàn diện trong nhân dân. Vẫn còn đó những gia cảnh nghèo khó, éo le; còn nhiều những cô cậu học trò cơ cực... Để giải quyết sự bất hợp lý này ngoài những biện pháp nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên có hạn này thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương từ thế mạnh khoáng sản sẵn có của địa bàn thì mới có thể phát triển bền vững, đồng đều được.
“Các em làm vì nhà nghèo quá không có cái ăn, cái học nên mới đi. Xã cũng nhiều lần đi kiểm tra, yêu cầu người dân không đãi quặng trái phép tại khe suối gây ô nhiễm môi trường nhưng xem ra rất khó vì âu cũng chỉ do miếng cơm, manh áo nên xã cũng không nỡ nào làm căng" |
Đức Ngọc - Tuệ Châu
Theo baoxaydung.com.vn