Thứ ba 10/12/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Nhiều phản hồi tích cực về các bài viết trên Báo Xây dựng

19:10 | 20/06/2019

(Xây dựng) - Phát huy tích cực vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Báo Xây dựng đã bám sát tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt chức năng là kênh thông tin tuyên truyền chính thống, kịp thời cập nhật thông tin và đăng tải đầy đủ các văn bản, quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách mới ban hành của Ngành; trở thành một kênh thông tin quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chuyển tải những kinh nghiệm thiết thực liên quan đến ngành Xây dựng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, báo cũng đã chỉ ra nhưng hạn chế, những việc làm chưa toàn diện của Ngành, trong đó có lĩnh vực Thanh tra Xây dựng; những công trình, những tổ chức, cá nhân có vi phạm được phản ánh khách quan, trung thực; giúp cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý kịp thời; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng.

Nhờ đó, thời gian gần đây, Báo Xây dựng liên tục nhận được nhiều phản hồi tích cực, bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ và đóng góp ý kiến của độc giả, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền cơ sở và cán bộ ngành Xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.


Đồng chí Tạ Quốc Tuấn – Đội phó Đội Quản lý trật tự Xây dựng Đô thị quận Đống Đa (TP Hà Nội)

Đồng chí Tạ Quốc Tuấn – Đội phó Đội Quản lý trật tự Xây dựng Đô thị quận Đống Đa: “Là một cán bộ công tác trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng ở một quận thuộc nội thành Hà Nội, tôi thường xuyên theo dõi để cập nhật các bài đăng trên Báo Xây dựng, đặc biệt là các chuyên mục Pháp luật và Bạn đọc. Không chỉ cập nhật thông tin và đăng tải đầy đủ các văn bản, quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách mới ban hành của Bộ Xây dựng; việc xử lý, phản hồi của các đơn vị trong Ngành đối với các vấn đề được dư luận xã hội và báo chí quan tâm; báo còn thường xuyên có những bài viết mang tính phát hiện, phản ánh chân thực, sâu rộng các vấn đề bất cập, những tồn tại cần phải xử lý trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về trật tự Xây dựng. Điển hình là các tuyến bài “xử lý vi phạm trật tự xây dựng và những vấn đề pháp luật”; “những bất cập, hạn chế về quy hoạch quản lý đất đai”… phản ánh rất sát tình hình thực tiễn tại cơ sở; đồng thời đề xuất các giải pháp trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn, lãnh đạo chính quyền các cấp một cách rất thuyết phục và hợp lý. Mong thời gian tới, Báo Xây dựng tiếp tục có những bài viết như vậy để vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, vừa là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được tình hình để có những giải pháp để giải quyết một cách kịp thời, phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Đô – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang: “Bài báo“Xử lý trật tự xây dựng và những vấn đề pháp luật” đã phản ánh khá sát thực những vấn đề bất cập trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện nay, nhất là đối với các vi phạm tồn tại trước khi có Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như: Đã chỉ ra những hành vi vi phạm trật tự xây dựng cơ bản, nguyên nhân, các quy định của pháp luật trong cấp giấy phép và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời đặt ra một số câu hỏi về giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Vấn đề quản lý trật tự xây dựng luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp trong quản lý  Nhà nước về xây dựng, nhất là trong giai đoạn kinh tế xã hội phát triển nhanh như hiện nay. Để khắc phục, trước tiên cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đồng thời phải có một bộ máy quản lý về trật tự xây dựng tại địa phương được pháp luật quy định thống nhất.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã khắc phục được một số tồn tại trước đây về xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, tuy nhiên cũng còn một số vướng mắc, bất cập như: Tình hình chung trên cả nước là tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 còn rất thấp, do đó thiếu căn cứ để cấp giấy phép xây dựng; còn có sự không thống nhất về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả giữa Luật Xây dựng (Điều 118 quy định là phá dỡ) với Luật Xử lý vi phạm hành chính (Điều 28 quy định là tháo dỡ) đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ không còn quy định về các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước, ngăn chặn người, phương tiện, vật liệu vào công trình xây dựng vi phạm, do đó rất khó khăn trong quá trình yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình vi phạm. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP không quy định cụ thể thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm theo Điểm d, Khoản 11, Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Một số công trình đang thi công xây dựng vi phạm không phép hoặc sai phép không có khả năng khắc phục xin cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng cần phải xử lý ngay, nhưng theo quy định được phép dừng thi công và xin cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính dẫn đến chậm chễ trong quá trình xử lý

Những vấn đề này hoàn toàn sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Thông qua những bài viết này, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn ở cơ sở càng hiểu sâu hơn, đúng hơn từng nội dung cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Đây thực sự là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả và dễ tiếp thu nhất. Rất mong báo Xây dựng tiếp tục có những tuyến bài tương tự, đáp ứng nhu cầu thông tin đa chiều của mọi đối tượng độc giả”.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load