Thứ ba 05/11/2024 15:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị tường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh

22:44 | 01/12/2022

(Xây dựng) - Chiều 01/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị tường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022 – một năm nhiều khó khăn, thách thức với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Cạnh tranh chiến lược, tác động lạm phát, chính sách tiền tệ của các nước, tình hình xăng dầu biến động nhanh, khó khăn từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, phản ứng chính sách của các nước liên quan tới dịch bệnh, các vấn đề toàn cầu...

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật.

Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt:

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị tường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022.

Các cân đối lớn được bảo đảm (thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu). Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so với tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động trở lại tăng 33% so cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. Nhiều vấn đề đột xuất được tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả; những vấn đề thường xuyên được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch...

An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,3 triệu lượt người lao động và gần 851.300 người sử dụng lao động. Nếu tính cả Nghị quyết 42 của Chính phủ thì từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay đã hỗ trợ gần 101,6 nghìn tỷ cho hơn 68,8 triệu lượt người lao động và gần 900.000 lượt người sử dụng lao động).

Những kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn...

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị tường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản, các dự án bất động sản. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, tổ công tác đã có những hoạt động gì? Qua rà soát trước đây, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản tập trung vào những vấn đề gì và giải pháp xử lý như thế nào? Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: trong thời gian qua thị trường bất động sản có nhiều khó khăn. Thứ nhất, nguồn cung có chiều hướng giảm; thứ hai, hoạt động giao dịch bất động sản có trầm lắng, tính thanh khoản giảm; thứ ba, tình hình các doanh nghiệp bất động sản có khó khăn như một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản, dẫn đến một số doanh nghiệp cho công nhân lao động tạm nghỉ việc.

Trước khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. Tổ công tác bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an.

Ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã họp và triển khai ngay các chương trình, kế hoạch và làm việc với các địa phương như: Thành phố Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp bất động sản lớn để tìm hiểu, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn và tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương trong các dự án bất động sản. Theo đó, trong thời gian qua, thị trường bất động sản có biến động, nổi lên một số vất đề:

Thứ nhất là khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế, trong đó khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật đất đai, về giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất.

Thứ hai, khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị và các thủ tục cũng gây khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Thứ ba, về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về nguồn vay tín dụng, vay trái phiếu đến hạn phải trả.

Thứ tư, khó khăn về triển khai giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở tại các cơ quan, địa phương.

Bên cạnh đó là một số khó khăn, vướng mắc về thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng đang thúc đẩy tháo gỡ vấn đề này nhưng hiện nay vẫn còn những khó khăn vướng mắc chưa thể thúc đẩy nhanh các hoạt động đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đứng trước các ý kiến, thực trạng trên, Tổ công tác đã trao đổi trực tiếp, hướng dẫn về mặt thực thi thể chế, vấn đề gì hướng dẫn được thì chúng tôi hướng dẫn ngay, phối hợp với địa phương phân loại khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Tuy nhiên, có vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như đầu tư dàn trải, vấn đề nguồn lực thì doanh nghiệp phải chủ động xử lý, cơ cấu lại đầu tư. Vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương thì chúng tôi rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Tổ công tác phân loại, sàng lọc nội dung, gửi trực tiếp cho các địa phương, đôn đốc địa phương giải quyết, không chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả các địa phương khác.

Một số nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ công tác phân loại nhóm lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ, như vấn đề vấn đai thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường… Vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.

Thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục làm việc với các thành phố trực thuộc Trung ương, một số địa phương có các dự án bất động sản để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ thông tin, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thị tường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load