(Xây dựng) - Tại diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 15/12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển nhanh, tác động nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển về kinh tế - xã hội.
Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. |
Tuy nhiên, thị trường này gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, thể hiện ở một số khía cạnh. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nguồn cung; lệch pha cung-cầu; giá nhà leo cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; khách hàng mất niềm tin… Nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm mạnh. Đến hết quý III năm nay, cả nước có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% so cùng kỳ. Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường.
Nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giá nhà ở vì thế leo ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý IV năm nay.
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp phải không ít khó khăn, nhất với việc tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công… Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.
Chính vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản để có giải pháp trước mắt và căn cơ nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động.
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản đối mặt với những khó khăn lớn về nguồn vốn, về lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án. “Có thể nói 2022 là một năm khó khăn toàn diện của ngành Bất động sản. Các khó khăn này đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản và nguy cơ gây tác động domino lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng khó khăn này, Chủ tịch VCCI cho biết có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía doanh nghiệp.
“Về khách quan, tình hình kinh tế thế giới với các thị trường vốn, tài chính đều xấu đi, thế giới kết thúc thời kỳ vốn giá rẻ, bước vào thời kỳ lạm phát và lãi suất cao. Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản liên tục, tác động tới thị trường toàn cầu. Dòng vốn vào bất động sản cao, kết thúc thời kỳ bất động sản tăng giá cao” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn đặt vấn đề: “Lỗi của chúng ta cũng có”. Theo đó, vấn đề đầu tiên là vấn đề vốn, thứ hai là vấn đề sản phẩm. Các doanh nghiệp đã sử dụng vốn đúng, khoa học hay chưa? Đồng thời cho rằng, qua những cơn “sóng gió” này chính là lúc doanh nghiệp rút ra bài học, rút kinh nghiệm để phát triển bền vững.
“Khi vốn huy động xã hội không được đổ vào tạo sản phẩm cho thị trường bất động sản, mà một tỷ lệ lớn đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất thâu tóm dự án quỹ đất khiến dòng tiền tương lai bị chặn đứng. Doanh nghiệp trông chờ vào tăng giá đất đai là khiếm khuyết lớn, là bài học chúng ta cần rút ra. Chúng ta huy động vốn để tạo ra sản phẩm bất động sản không phải là thâu tóm đất đai” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Tấn Công đặt vấn đề sản phẩm bất động sản đã phù hợp nhu cầu chưa, hay mới tập trung phục vụ nhu cầu đầu cơ. Đó là điểm yếu chí mạng của thị trường bất động sản.
Từ thực tế này, ông Phạm Tấn Công yêu cầu doanh nghiệp cần khách quan nhìn nhận, có tầm nhìn phát triển bền vững, bởi thời kỳ vàng son của vốn rẻ cũng đã kết thúc theo Covid-19.
Kiến Tài
Theo