(Xây dựng) - Trong suốt chặng đường dài làm báo, trong đó có thời gian làm Báo Xây dựng, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc đã ghi lại hàng chục ngàn những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử ngành Xây dựng trên khắp cả nước. Từ thập niên 90 đến nay ông đã không dưới 3 lần trưng bày các cuộc triển lãm chuyên đề về nhân vật và sự kiện và lần này ông đã xuất bản cuốn sách mang tên “Dấu ấn những công trình” như một sự kết tinh những cảm xúc của người nghệ sĩ.
Nhà báo Nguyễn Tất Lộc
“Dấu ấn những công trình” là tên gọi của cuốn sách ảnh được tinh lọc từ hàng nghìn tác phẩm của cá nhân tác giả Nguyễn Tất Lộc. Thông qua những bức hình này, ông đã hồi tưởng lại những cuộc hành trình mà bước chân đã từng đi, đến các công trình xây dựng trên toàn đất nước. Có được tấm ảnh đi kèm bài viết vừa góp phần diễn tả sự thật, vừa làm cho bài viết sinh động mang hơi thở và khí thế tại nơi diễn ra sự kiện và những công việc ở đó. Trải qua hơn 50 năm cầm máy, rất nhiều hình ảnh do ông chụp đã được lưu giữ và trưng bày tại các Nhà lưu niệm, Nhà truyền thống của một số Bộ, Ngành do họ cần có tư liệu về các sự kiện, về các nhân vật tiêu biểu mà ngành đó, đơn vị đó không ghi chép được.
Nhà báo Nguyễn Tất Lộc đã từng chứng kiến vụ sạt lở núi đá mà hàng vạn mét khối đất đá đã vùi lấp cả phương tiện, máy móc lẫn những người thợ thi công tại công trường thủy điện Bản Vẽ; hay tận mắt thấy những đợt lũ quét bất thường tràn về công trường Huội Quảng (Sơn La), và công trình thủy điện Hủa Na trên sông Chu. Ông đã ở cùng nhóm thợ thi công thủy điện YanTannSien phải chịu đói chịu khát vài ngày trời trong vùng rừng sâu xã Đưng K’nớ tỉnh Lâm Đồng bởi nước lũ đã chia cắt toàn bộ đội ngũ hàng trăm người thợ trong suốt một tuần lễ ròng rã.
Thi công tuyến đường dây 500KV Pleiku - Củ Chi.
Trên chặng đường tác nghiệp dài hơn một nửa thế kỷ, mỗi khi tìm lật giở lại những cuộn phim, những tấm hình đã ghi được để chiêm nghiệm, để ngắm nhìn, ông vẫn cảm nhận được hơi thở của sự sống đang cựa quậy, có mùi vị của những giọt mồ hôi còn vương mùi bùn đất, bụi đá. Những tấm hình như những tấm gỗ thô mộc chưa được gọt dũa, sơn phết, nhưng chưa khi nào hồn cốt của những bức ảnh đó bị xóa mờ bởi tinh thần lao động dũng cảm của con người trên những công trình vẫn luôn hiện hữu. Nó khiến thâm tâm ông luôn có những ám ảnh - ám ảnh về những nguy hiểm luôn rình rập, ám ảnh về những cơn lũ quét bất thần, về những sự cố lún sụt; ám ảnh về những truân chuyên vất vả, cực nhọc của người thợ xây dựng. Có lẽ bởi vậy mà những tấm hình ông đã ghi lại đều thô mộc như đượm mùi bùn đất, bê tông, sắt thép và cả những giọt mồ hôi trên gương mặt người lao động trên công trình.
Nhà báo Nguyễn Tất Lộc chia sẻ: “Tôi đã gửi gắm và chia sẻ phần nào nỗi ám ảnh ấy vào các trang viết đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ nửa thế kỷ qua. Tuy vậy, trong lòng vẫn cảm thấy chưa vơi “món nợ trần gian”.
Và đó chính là lý do cuộc sách ảnh “Dấu ấn những công trình” của ông được xuất bản và giới thiệu đến công chúng như một cách để ông thôi ám ảnh.
Lễ ra mắt sách ảnh được diễn ra vào lúc 9h00 sáng thứ Bảy, 24/11, tại hội trường Cung Xuân New (trong công viên Tuổi trẻ), số 1 Võ Thị Sáu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hạ Ly
Theo