Thứ sáu 27/12/2024 00:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Nguồn cung vật liệu khan hiếm sau bão, giá cả vẫn giữ ổn định

10:17 | 22/09/2024

(Xây dựng) - Sau khi bão số 3 đi qua, tiếp đến là tình trạng ngập lụt, nhiều khu vực bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, dẫn đến nhu cầu về các loại vật liệu sửa chữa tăng đột biến. Tuy nguồn cung khan hiếm, nhưng nhiều đại lý vẫn duy trì mức giá không thay đổi, giúp thị trường giữ được sự bình ổn.

Nguồn cung vật liệu khan hiếm sau bão, giá cả vẫn giữ ổn định
Sau bão số 3, nhu cầu mua vật liệu xây dựng để sửa chữa nhà tăng cao khiến nguồn cung khan hiếm.

Khó khăn tìm kiếm nhân công và vật liệu

Bão số 3 được coi là cơn bão mạnh nhất tại Biển Đông trong 30 năm qua, đã gây ra thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Tính đến ngày 17/9, bão đã khiến 353 người chết và mất tích, với tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 40.000 tỷ đồng. Hơn 257.000 căn nhà bị sập đổ hoặc hư hỏng nghiêm trọng, cùng nhiều công trình hạ tầng và diện tích nông nghiệp bị tàn phá. Điều này đã khiến cho nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng mạnh, đẩy thị trường vật liệu xây dựng vào tình trạng "nóng" hơn bao giờ hết.

Nguồn cung vật liệu khan hiếm sau bão, giá cả vẫn giữ ổn định
Khung cảnh tan hoang do bão số 3 càn quét ở Quảng Ninh.

Trao đổi với phóng viên, anh H.N (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ: "Cơn bão số 3 vừa qua đã khiến mái nhà tôi bị tốc hoàn toàn. Sau khi bão tan, gia đình tôi phải dùng bạt để che chắn mưa nắng. Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút tìm đơn vị thi công để lợp lại mái tôn, nhưng do nhu cầu tăng đột biến, việc tìm thợ và vật liệu trở nên khó khăn hơn bình thường. Tôi đã liên hệ với vài cơ sở và họ hẹn trong 1-2 tuần mới có thể bắt đầu sửa chữa".

Cùng cảnh ngộ, anh V.N - một cư dân tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội tâm sự: "Trận lũ sau bão đã khiến nhà tôi ngập sâu, làm bong tróc nền nhà, nứt tường và ẩm mốc. Sau khi nước rút, tình trạng hư hại rất nghiêm trọng, buộc chúng tôi phải sửa chữa ngay. Việc mua gạch và xi măng trở nên khan hiếm, còn tìm thợ sửa nền, tường lại càng gian nan hơn vì thợ đều kín lịch, nhiều nơi hẹn đến 2 tuần mới có thể bắt đầu".

Khi được hỏi về giá cả vật liệu và chi phí sửa chữa, anh V.N cho biết: "Giá các mặt hàng như gạch, sơn, xi măng không tăng nhiều. Tuy nhiên, chi phí thuê thợ tăng đáng kể do nhu cầu sửa chữa quá lớn. Vấn đề chủ yếu vẫn là thiếu thợ, khiến tiến độ sửa chữa chậm hơn so với dự kiến".

Nguồn cung vật liệu khan hiếm sau bão, giá cả vẫn giữ ổn định
Do quá nhiều nhà cửa cần phải sửa chữa sau bão dẫn đến nhân công thiết hụt, không đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng.

Anh V.Q - phụ trách xưởng cơ khí Trần Gia chuyên thi công mái tôn, sửa chữa nhà cửa tại Hà Nội chia sẻ: “Những ngày vừa qua, công việc rất nhiều nhưng chúng tôi thiếu thợ trầm trọng, không đáp ứng nổi nhu cầu khách hàng. Chúng tôi thi công từ sáng sớm, có hôm làm đến 1-2h đêm chưa xong. Khách hàng nào gọi đến cũng tha thiết, mà đôi khi cũng phải để khách hàng xếp lịch tới 3-5 ngày mới đến làm được”.

Giá vật liệu ổn định bất ngờ

Qua khảo sát, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái… đều cho biết đang trong tình trạng hoạt động hết công suất, cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trên thị trường ở thời điểm này, các loại vật liệu phục vụ sửa chữa nhà cửa bao gồm mái tôn, ống sắt, ống nhựa, nhôm kính, xi măng, cát, sỏi, gạch ngói, sơn, sơn chống thấm… đều tăng mạnh.

Nguồn cung vật liệu khan hiếm sau bão, giá cả vẫn giữ ổn định
Nguồn cung vật liệu xây dựng đang khan hiếm do nhu cầu sửa chữa tăng cao, nhưng giá cả vẫn giữ ổn định. (Ảnh: T.X)

Theo anh Đ.L, đại diện Công ty TNHH Thép Thắng Lợi – đơn vị chuyên cung cấp tôn thép tại Hà Nội, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh miền Bắc, khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái và sụp đổ. Điều này buộc nhiều hộ gia đình phải tiến hành sửa chữa hoặc xây dựng lại, làm cho nhu cầu về vật liệu xây dựng, đặc biệt là tôn thép tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Tuy nhiên, đối với tôn xốp - loại vật liệu phổ biến cho nhà dân và kho xưởng, giá vẫn ở mức 150.000 - 160.000 đồng/m2. "Giá cả không tăng, nhưng chúng tôi đang quá tải và thiếu hàng" - anh L chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông V.T - chủ một đại lý vật liệu xây dựng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn hàng bị thiếu hụt nhẹ, nhưng chúng tôi quyết định không tăng giá. Các mặt hàng như xi măng và gạch vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Tuy nhiên, giá cát và sỏi có tăng nhẹ do khó khăn trong việc khai thác và vận chuyển sau bão".

Theo bảng giá từ các đơn vị cung cấp, các mặt hàng cơ bản như xi măng và gạch vẫn giữ nguyên: Xi măng HT30 có giá 98.000 đồng/bao, xi măng Bút Sơn 80.000 đồng/bao và gạch lỗ 1.600 đồng/viên. Trong khi đó, giá cát và sỏi có sự điều chỉnh nhẹ, cát đen giá 20.000 đồng/bao, tăng 3.000 - 4.000 đồng/bao (vận chuyển trong các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng); cát vàng thô giá 25.000 đồng/bao, tăng 3.000 - 5.000 đồng/bao so với trước bão.

Giá tôn có sự đa dạng tùy theo độ dày và thương hiệu. Ví dụ: Tôn lạnh cách nhiệt Hoa Sen dao động từ 67.000 - 105.000 đồng/m2; tôn lạnh và tôn PU lợp mái Phương Nam từ 65.000 - 229.000 đồng/m2; tôn lạnh cách nhiệt Đông Á từ 55.000 - 149.000 đồng/m2; tôn lợp mái Việt Nhật SSSC dao động từ 45.000 - 134.000 đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau siêu bão Yagi (bão số 3), người dân đã chịu nhiều tổn thất về nhà cửa, khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao. Tuy nhiên, tín hiệu từ thị trường cho thấy giá các mặt hàng như tôn và thép vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng. Các đại lý và nhà cung cấp cũng không lợi dụng tình hình để tăng giá. Về dự báo tương lai, ông Sưa nhận định rằng khi ba luật về thị trường bất động sản đi vào thực tiễn, thị trường sẽ dần hồi phục, kéo theo sự khởi sắc của lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Diệu Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load