Thứ tư 09/10/2024 11:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Tuyên Quang:

Người dân mòn mỏi chờ tái định cư

11:46 | 22/11/2011

Gần 2 năm kể từ khi đất đai bị thu hồi làm trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, hàng chục hộ dân ở thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vẫn phải chấp nhận cuộc “sống mòn” bởi chưa được tái định cư, ổn định cuộc sống.

  
Trụ sở sắp hoàn thiện nhưng các hộ dân chưa thể di dời tái định cư.

Ngày 23/10/2009, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã ban hành Quyết định  phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng trụ sở làm việc, hội trường, các công trình phụ trợ và công trình hạ tầng kỹ thuật của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tại thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân với tổng  diện tích hơn 5ha.

Dân sẵn sàng

Với sự hỗ trợ đắc lực của các hộ dân trong việc kiểm đếm tài sản, đo đạc địa chính, nhận tiền đền bù, ngày 03/10/2010, lễ khởi công xây dựng trụ sở làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Sơn đã được tổ chức.

Sau hơn một năm thi công, trụ sở làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Sơn đã cơ bản hoàn thành và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo ông Triệu Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, dự kiến công trình sẽ được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012.

Thế nhưng, trái với công trình trụ sở hoành tráng đang được hoàn thiện, các hộ dân trong khu vực GPMB để thi công công trình này ngày càng rơi vào tình cảnh cuộc sống khốn khó. Ông Vũ Văn Nhận cho biết: Hơn chục hộ dân thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân đã bị thu hồi, đền bù hết đất canh tác (chè, chuồng trại chăn nuôi). Do chưa có đất tái định cư nên hơn một năm nay các hộ dân vẫn “phải” sống trong căn hộ cũ của mình nằm trong khuôn viên đang xây dựng. Trong khi đó, “kế hoạch di chuyển tái định cư” được Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn thông báo tại Văn bản số 1355/UBND-TNMT ngày 11/11/2009 sẽ thực hiện “trong quý I/2010”.

Quan chưa vội

Vừa dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông Nhận vừa “giới thiệu”: Móng công trình trụ sở HĐND, UBND huyện Yên Sơn được đào giáp với móng nhà ông, gia đình đã phải tháo dỡ toàn bộ phần bếp và công trình phụ, chỉ còn lại mỗi ngôi nhà để ở. Theo quan sát của chúng tôi, các công trình đã và đang xây dựng tại đây đều không có lưới bảo vệ, công nhân không được trang bị bảo hộ lao động - tối thiểu là mũ, quần áo - khiến nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với cả công nhân và người dân sống trong khu vực. “Điều đáng nói là, cuộc sống của chúng tôi không ổn định quá lâu. Chúng tôi cũng không biết làm gì để đảm bảo cuộc sống!”, ông Nhận nói thêm.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, các hộ dân ở đây đều đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất từ tháng 7/2010. Song, do chưa biết giá đất tái định cư sẽ được tính thế nào cũng như chưa biết xây dựng nhà ở tái định cư tốn phí bao nhiêu nên hầu như toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư các hộ đều chưa dám sử dụng. Để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, thay vì chăn nuôi hay thu hái chè như trước đây, gia đình ông Nhận đã đầu tư sạp hàng nhỏ, bán mì tôm, nước uống cho chòm xóm. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có thể “năng động” như gia đình ông Nhận. Vì thế dù nhà nằm kề QL2 nối Tuyên Quang với Hà Giang, nhưng các hộ như anh Thưởng Văn Chính, Nguyễn Duy Hải, Vũ Mạnh Toàn, Vũ Thanh Hà… đều chỉ biết ngày ngày ngồi nhà “trông trời, trông đất trông mây” nhìn xe cộ đi lại.

Theo lý giải của ông Triệu Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Sơn thì: Trong khi chưa có giải pháp phát triển kinh tế gia đình, người dân có thể gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi chi dùng. Tuy nhiên, khi PV Báo Xây dựng đặt vấn đề cụ thể: Cách đây hơn một năm xây dựng một ngôi nhà ở 2 tầng tại địa phương chi phí khoảng 500 triệu đồng, còn nay thì tối thiểu xây dựng một ngôi nhà tương tự cũng là 700 triệu đồng/căn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt thòi này cho người dân thì ông Phó chủ tịch biện lý do… bận đi dự đại hội chi bộ, “có nội dung nào cần trao đổi các anh cứ gửi văn bản, chúng tôi sẽ nghiên cứu trả lời”!?

Được biết, ngoài 3 công trình đang hoàn thiện kể trên, trong thời gian tới, các hộ dân ở 2 xã Thắng Quân và Tứ Quận sẽ tiếp tục bị thu hồi đất để phục vụ việc xây dựng, mở rộng trung tâm huyện lỵ Yên Sơn. Theo đó, sẽ tiếp tục có hàng chục hộ dân phải di dời. Thế nhưng, ngay cả những hộ dân đã bị “mua lại quyền sử dụng đất ở” từ nhiều năm nay, những vướng mắc, kiến nghị của họ vẫn chưa được xử lý thoả đáng, công tác di dời tái định cư, ổn định cuộc sống vẫn chưa được triển khai, liệu các hộ dân khác có “hết lòng với chủ trương, chính sách đúng đắn” của địa phương?

Câu hỏi này xin được chuyển đến các cơ quan chức năng huyện Yên Sơn và tỉnh Tuyên Quang.

Do tổ chức thi công ẩu, khoảng 15h ngày 02/3/2011, trụ sở làm việc và các công trình phụ trợ của Huyện ủy Yên Sơn (Tuyên Quang) đang xây dựng tầng 2 thì bị sập làm 6 người bị thương. Dù vậy, đến nay các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm chất lượng thi công vẫn không được nhà thầu xây dựng chú ý.

Hoa Linh Lan

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load