Thứ năm 06/02/2025 00:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Ngổn ngang trước mùa mưa

08:44 | 22/05/2009

Mưa to, đê bao vỡ là “chuyện thường ngày“.

Nỗi ám ảnh vỡ đê

TP.HCM đang là mùa mưa. Với nỗi ám ảnh bởi những trận vỡ đê, ngập nước trong mùa mưa, chúng tôi đã tiến hành làm khảo sát một số tuyến đê xung yếu. Những bờ bao ở TP phần lớn đều được đắp bằng đất bùn, có nơi đất cát và được gia cố bằng cây cừ tràm. Qua thời gian bờ bao bị lún dần, xói mòn, nền đất yếu khiến bờ bao không đủ sức ngăn triều cường. Vì thế, ở nhiều đoạn mỗi khi có mưa to, triều cường lên và chuyện bờ bao bị vỡ là chuyện xảy ra “thường ngày ở huyện”.

Theo chân chị Chín Ngọc (ngụ đường số 5 KP5 P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) đi thăm một đoạn đê của phường, chị cho biết: “Ở đây năm nào cũng vỡ đê gây ngập lụt, bà con phải bỏ tiền túi ra làm đường, đắp đê. Tháng trước, chỗ này vỡ đê, bà con kêu mãi chính quyền mới xuống khảo sát và cho được 2 xe đất nhưng đổ ở tít đằng kia (cách chỗ chúng tôi đang đứng hơn 100m), nếu Nhà nước đã cho dân thì hãy chở đến tận nơi công trình chứ đừng để như vậy”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ kè đê bao, nhưng theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Phước thì do đê bao ven sông Sài Gòn chuyên đắp đất truyền thống và chỉ gia cố tạm thời, không được đầu tư quy mô đúng tiêu chuẩn. Một nguyên nhân nữa là do một số người dân mua đất để đầu tư kinh doanh nên số đất này không được xây dựng, sử dụng và bị bỏ hoang. Do đó sạt lở hay xảy ra tại đây vì không có ai kiểm tra giám sát được. Ông Hải cũng cho biết thêm, tuyến đê bao bờ chắn sông Sài Gòn chưa triển khai thực hiện tại địa phương vì còn vướng mắc công tác đền bù giải tỏa.

Tiến tới kiên cố hóa đê

Nhiều tuyến đê bao đã được UBND TP quan tâm đầu tư xây dựng như công trình thủy lợi Bờ Hủ sông Sài Gòn. P.An Phú Đông, Q.12 là một trong những địa phương vùng trũng của TP, nhờ được các cấp chính quyền địa phương quan tâm công tác thủy lợi đê điều mà đến nay cơ bản đã khống chế được vấn đề ngập úng. Ông Trương Văn Quan, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi P.An Phú Đông hồ hởi cho chúng tôi biết: “Đợt triều cường Tết Kỷ Sửu vừa qua, trên địa bàn phường không còn cảnh ngập úng như trước đây nữa. Bà con đón tết rất vui vẻ”.

Để có được niềm vui đó các cấp chính quyền địa phương đã không ngừng vận động tuyên truyền bà con di dời phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trả lại hành lang an toàn đê điều. Kết hợp với sự hỗ trợ của TP, hiện nay phường đang thi công 9 tuyến phòng chống lụt bão theo thiết kế định hình, sử dụng bê tông tường chắn đắp đất bên trong, dài 7km với mức vốn đầu tư là 19 tỷ đồng, các tuyến này cơ bản đã hoàn thành dự kiến đến tháng 7/2009 đưa vào vận hành sử dụng. Tuy nhiên cái khó ở đây là vận động cho bà con nhân dân hiểu được công tác bảo vệ đê điều phòng chống lụt bão mà tự nguyện hiến đất để nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho lợi ích dân sinh. Ông Quan trăn trở: “Hiện nay tiến độ thi công công trình diễn ra quá chậm. Các gói thầu khi thi công đường cống thì gặp khó khăn về triều cường, đòi hỏi là phải ngăn và dẫn dòng chảy mới có thể thi công được. Sau khi thi công gia cố các tuyến đê bao rồi thì phải chờ cống xong mới thông tuyến”.

Theo dự án của Bộ NN&PTNT, hệ thống đê bao cho TP.HCM dài 165km, cao trình cao hơn 2,5m. Trong đó có hai tuyến đê bao lớn kết hợp đường giao thông là đê bao ven sông Sài Gòn (từ rạch Ông Dầu đến Vĩnh Bình, dài 6km, cao trình 2,8m, rộng 8,5m); đê bao ven sông Đồng Nai (từ Long Phước - Long Trường đến Trường Thạnh - Phú Hữu, dài 13,5km, cao trình 3,2m, rộng 12m). Sẽ cải tạo các tuyến kênh trục thoát nước chính với tổng chiều dài gần 110km... Dự án được chia thành ba giai đoạn, tổng kinh phí 7.200 tỷ đồng.

TP.HCM hiện có 7 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước dài 926km với 412 cửa xả. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước ở các quận 5, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức... đang ngày càng trầm trọng do đang có hơn 5.000 hộ dân làm nhà lấn chiếm bờ kênh, thu hẹp dòng chảy, xả rác và nước thải trực tiếp xuống dòng kênh.

Hiện tại có 182 vị trí sông, kênh, rạch bị lấn chiếm; tập trung nhiều nhất là ở các quận, huyện: 7 (49 vị trí), 8 (39 vị trí), Thủ Đức, Bình Chánh (24 vị trí), Bình Thạnh (17 vị trí), Nhà Bè (15 vị trí).

Theo dự án của Bộ NN&PTNT, hệ thống đê bao cho TP.HCM dài 165km, cao trình cao hơn 2,5m. Trong đó có hai tuyến đê bao lớn kết hợp đường giao thông là đê bao ven sông Sài Gòn (từ rạch Ông Dầu đến Vĩnh Bình, dài 6km, cao trình 2,8m, rộng 8,5m); đê bao ven sông Đồng Nai (từ Long Phước - Long Trường đến Trường Thạnh - Phú Hữu, dài 13,5km, cao trình 3,2m, rộng 12m). Sẽ cải tạo các tuyến kênh trục thoát nước chính với tổng chiều dài gần 110km... Dự án được chia thành ba giai đoạn, tổng kinh phí 7.200 tỷ đồng.

TP.HCM hiện có 7 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước dài 926km với 412 cửa xả. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước ở các quận 5, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức... đang ngày càng trầm trọng do đang có hơn 5.000 hộ dân làm nhà lấn chiếm bờ kênh, thu hẹp dòng chảy, xả rác và nước thải trực tiếp xuống dòng kênh.

Hiện tại có 182 vị trí sông, kênh, rạch bị lấn chiếm; tập trung nhiều nhất là ở các quận, huyện: 7 (49 vị trí), 8 (39 vị trí), Thủ Đức, Bình Chánh (24 vị trí), Bình Thạnh (17 vị trí), Nhà Bè (15 vị trí).

Cao Cường

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load