Thứ năm 26/12/2024 17:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Chủ động đôn đốc các doanh nghiệp đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản

19:56 | 25/10/2024

(Xây dựng) - Tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với huyện Nghi Xuân về chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023”.

Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Chủ động đôn đốc các doanh nghiệp đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát tình hình khai thác đá ở mỏ đá xã Xuân Liên của Công ty Cổ phần Hải Giang San. (Ảnh: Lê Hòa)

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Nghi Xuân có 4 tổ chức, đơn vị đã được cấp phép đang hoạt động khai thác khoáng sản và 10 tổ chức, đơn vị kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

Qua quá trình hoạt động, cơ bản các đơn vị doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã từng bước chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, tiến hành lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định. Ngay sau khi có thông báo hết hiệu lực giấy phép khai thác và đề nghị đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn, huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương yêu cầu các tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ.

Đối với các đơn vị khai thác tài nguyên trên địa bàn đều chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn lao động, an ninh trật tự trong quá trình khai thác tại địa phương, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường trước khi thực hiện dự án. Đối với các tổ chức, đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện cơ bản tuân thủ việc đảm bảo an toàn lao động, xử lý tiếng ồn, sử dụng công nghệ, vật liệu nổ theo đúng quy định.

Từ năm 2020-2023, huyện Nghi Xuân lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 87 trường hợp khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép với tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 657 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là cát, đất) diễn ra với nhiều phương thức; vẫn còn xảy ra tình trạng một số đơn vị khai thác vượt công suất, khai thác khoáng sản đi kèm (đất san lấp) ngoài phạm vi được cấp phép; việc thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường định kỳ chưa được quan tâm thực hiện đúng mức…

Tại cuộc giám sát, lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân và các đơn vị có liên quan đã giải trình làm rõ về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, quản lý vật liệu nổ trong quá trình khai thác khoáng sản; nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khai thác khoáng sản; nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Nghi Xuân làm rõ một số vấn đề về tình trạng một số đơn vị khai thác vượt công suất, khai thác khoáng sản đi kèm khi chưa được cho phép; trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong việc đầu tư nâng cấp, duy tu, sữa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác; hiệu quả từ các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ doanh nghiệp vi phạm các quy định; phục hồi môi trường khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực; chế độ chính sách cho người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn…

Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị huyện Nghi Xuân tiếp tục thực hiện tốt các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD; rà soát nhu cầu, có giải pháp bảo đảm nguồn cung khoáng sản làm VLXD trên địa bàn; quan tâm công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xử lý tiếng ồn, quản lý tốt vật liệu nổ công nghiệp trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Nghi Xuân tăng cường phối hợp với Sở, ngành cấp tỉnh trong giám sát việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác vượt công suất, ngoài phạm vi cấp phép. Tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn để quy hoạch, đưa vào đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load