(Xây dựng) - Ngành Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2019 thì đến đầu tháng 1 năm 2020 ngay lập tức rơi vào khủng hoảng, mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus Corona gây ra. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tại các khu du lịch tâm linh khác như chùa Hương, Bái Đính… lượng du khách cũng sụt giảm nghiêm trọng. |
Điển hình của tình trạng này phải kể đến là những địa phương có thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An… Đã gần 2 tháng nay, đội tàu tham quan du lịch gồm 3 chiếc của anh Nguyễn Công Huy (38 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) gần như nằm im, không có một bóng khách nào. Theo anh Huy, hàng năm vào thời gian này, vịnh Hạ Long thường đón hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày, trong đó đa phần là khách Trung Quốc, các nhà tàu thi nhau chạy để phục vụ. Còn nay, chỉ lác đác khách nội địa, hoặc đến từ phương Tây, Hàn Quốc, Đài Loan... Do ảnh hưởng của dịch virus Corona, khách vắng khiến tàu nằm im, buộc anh Huy phải cho 10 nhân viên phục vụ, 3 thuyền trưởng tạm nghỉ, chờ đến khi tình hình ổn định trở lại.
Không chỉ khách tham quan vịnh Hạ Long sụt giảm, tại thành phố Hạ Long những ngày gần đây, nhiều dịch vụ khác như vui chơi giải trí, lưu trú tại khu du lịch Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) cũng trong tình cảnh ế ẩm. Hàng quán thì “ngồi chơi xơi nước”, thậm chí cửa đóng then cài. Tương tự, tại khu danh thắng Yên Tử, mỗi ngày chỉ có khoảng 1.000 - 2.000 đến tham quan. Trong khi nơi này những năm trước là một trong những địa điểm du xuân lớn nhất cả nước, mỗi ngày đón hàng triệu du khách.
Năm 2020, ngành Du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 34.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước tình hình dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Du lịch Quảng Ninh đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng kéo dài.
Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Lượng du khách đến Quảng Ninh hiện chỉ bằng 30% so với năm ngoái, đặc biệt là khách Trung Quốc sụt giảm rất lớn. Quảng Ninh là địa điểm ưa thích của khách Trung Quốc, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế. Đây là dòng khách có mức chi tiêu khá cao. Vì dịch bệnh, cửa khẩu dừng đón khách, công ty lữ hành hủy tour đã khiến các khách sạn, nhà hàng lao đao.
Còn tại Đà Nẵng, tình hình cũng không khá hơn. Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, tại những khu vui chơi giải trí lớn, khách sạn, nhà hàng đìu hiu, vắng vẻ khách. Nhân viên tại nhà hàng Veteran Premium Steak House, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Do khách chủ yếu là người Trung Quốc nên khi xảy ra dịch bệnh, số lượng khách hàng sụt giảm mạnh. Hiện nhà hàng chủ yếu phục vụ cho khách phương Tây, Hàn Quốc và người Việt Nam. Tâm lý lo sợ nên nhiều người thậm chí đeo cả khẩu trang khi ăn tại nhà hàng.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng đạt 126.813 lượt, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Công suất buồng phòng tại các khách sạn giảm mạnh từ 50 - 70%.
Được biết, công suất buồng phòng của khối khách sạn 3 sao và tương đương đạt 20 - 30%, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019. Các khách sạn 3 sao phải hủy nhiều vì đoàn khách Trung Quốc chiếm chủ yếu; khối 1 – 2 sao và tương đương có công suất buồng phòng toàn khối đạt khoảng 15 - 20%, giảm 15% so với cùng kỳ. Ngoài ra, khối căn hộ, biệt thự có công suất buồng phòng ước đạt 49%, giảm 19%.
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Khánh Hòa cho biết: Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra khiến ngành Du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc công suất buồng phòng hiện dưới 20%. Tại các khu du lịch tâm linh khác như chùa Hương, Bái Đính… lượng du khách cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc “khủng hoảng” tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Vân Anh
Theo