Thứ hai 07/10/2024 05:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Ngân hàng mong thị trường hồi phục

08:21 | 17/10/2008
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 115.000 tỷ đồng cho vay trực tiếp từ hệ thống ngân hàng vào bất động sản, chiếm khoảng 9,15% tổng dư nợ và đây là một con số an toàn. Để tránh rủi ro và giảm thiểu bong bóng trên thị trường bất động sản, ngân hàng buộc phải siết chặt tín dụng cho vay bất động sản.
 
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Chương Dương, thì: "Các ngân hàng thương mại Việt Nam sống chủ yếu bằng nguồn cho vay. Dù có nhiều rủi ro, bất động sản là “thượng đế” được ngân hàng chiều chuộng nhất nhưng cũng là con nợ lớn nhất. Thị trường nhà đất đóng băng trong thời gian gần đây khiến ngân hàng mất đi một dòng tiền luân chuyển lớn".
 
Các ngân hàng thường thẩm định giá bất động sản ở mức bằng 70% giá thị trường, sau đó cho khách hàng vay khoảng 70% mức giá thẩm định, tức là người vay chỉ được nhận gần 50% giá thị trường. Nhiều người lạc quan cho rằng chỉ khi giá bất động sản xuống dưới 50% giá thị trường thì ngân hàng mới thực sự đáng lo ngại. "Trong thời điểm giá thị trường bất động sản chững như như hiện tại, không ai có thể dám chắc rằng, giá bất động sản không tiếp tục xuống dốc", ông Nguyễn Việt Sơn, Giám đốc ngân hàng Maritime Bank, chi nhánh Hải Dương, cảnh báo.
 
Bất động sản đóng băng, ngân hàng sẽ mất một lượng dòng tiền luân chuyển lớn.
Ảnh: Hoàng Hà.
 
Hiện nhiều ngân hàng cố tỏ ra lạc quan nhưng các chuyên gia lo ngại rằng, một số ngân hàng đang có nguy cơ rơi vào điểm đổ vỡ bởi nợ xấu tăng, tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản cao trong khi thị trường nhà đất đang đi xuống. Vốn bị đọng, ngân hàng sẽ mất tính thanh khoản. Nhiều ngân hàng "rót" vốn vào các sân sau là các công ty bất động cũng bị ảnh hưởng.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ ít nhiều gây ra hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến chính ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản cùng các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp bất động sản ngoài việc bế tắc trong việc tìm vốn, dự án bỏ ngỏ còn phải đối mặt với nguy cơ bị rút vốn ồ ạt từ phía người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Việt Sơn, đầu tư của ta còn theo tâm lý đám đông, khi thấy bất động sản có dấu hiệu chững lại, những người đầu tư ăn theo sẽ rút lui khỏi thị trường khiến nhiều dự án lao đao.
 
Thay vì đầu tư vào dự án bất động sản, nhiều người đi tìm giải pháp an toàn bằng cách gửi tiền cho ngân hàng hoặc đầu tư vào các nhánh khác có độ rủi ro thấp hơn. Người dân sẵn sàng chịu lỗ để thu hồi vốn song các doanh nghiệp bất động sản hay chủ đầu tư lâm vào tình trạng "đã lao phải theo lao". Đại diện một công ty địa ốc tâm sự, công ty của ông đang sống dở chết dở vì đã đổ hàng trăm tỷ "chôn" vào đất, rút ra không được, đổ vào cũng không xong. Trong khi đó, người tiêu dùng thực sự cũng không có nhà để mua vì dự án còn chưa hoàn thành. 
 
Nhiều ngân hàng đã cởi mở hơn như cho các doanh nghiệp bất động sản vay để đầu tư về cơ sở hạ tầng song sự cởi mở này được giới hạn bởi việc cho vay đủ tiêu chuẩn. Cuối cùng, chính "thượng đế" lại là người bị nắm đằng chuôi. Chị Lan Hương, Giám đốc một công ty chuyên về mỹ phẩm, bức xúc: "Căn nhà của tôi được khách hàng trả giá tới 12 tỷ trong khi đó ngân hàng chỉ thẩm định giá có 1 tỷ. Cực chẳng đã, tôi đành phải cắn răng chịu".
 
Các doanh nghiệp bất động sản quen thân với ngân hàng, thuộc hạng “kim cương”, “vàng”, "bạc”, nếu như trước đây được hưởng chính sách đãi ngộ "vip" thì giờ vẫn phải theo chu trình xét duyệt cẩn trọng. "Không một giám đốc ngân hàng nào dám cược số phận của mình với sự tồn tại của ngân hàng trong thời điểm này. Để giữ khách, các ngân hàng giảm hạn mức tín dụng, cho vay ít hơn định mức nhằm tránh rủi ro", ông Sơn chia sẻ.
 
Để bình ổn lại thị thường băng giá như hiện nay, ông Tuấn đề xuất: "Đã đến lúc các ngân hàng tỉnh lại, rà soát các dự án vay vốn, thẩm định nghiêm túc các hồ sơ dự án, đưa ra các giải pháp tối ưu để hạn chế nợ xấu, xem xét lại chính sức lực nội tại của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất".
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Sơn bổ sung, cần phải có chính sách cũng như hành lang pháp lý thống nhất giữa các ngành. "Không thể đi đến sự bình ổn và phát triển nền kinh tế khi nhìn nhận vấn đề một cách đơn lẻ. Các ngành thương mại, dịch vụ, ngân hàng, xuất nhập khẩu... phải phát triển song song, tương hỗ. Bên cạnh đó, ta cũng cần có một cơ sở dữ liệu tốt để làm cơ sở cho các ngành phân tích", ông Sơn nhấn mạnh.
 
Theo ông Bùi Minh Đức, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đại Phát thì, đối với các công ty bất động sản lớn cần marketing để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Bởi các thành phố lớn có sự di dân về cơ học cao sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Các doanh nghiệp bất động sản nhỏ lẻ phải tự thân vận động bằng cách dựa vào năng lực bản thân, mối quan hệ, nguồn hàng chuẩn, tìm kiếm thông tin để bán các sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. "Đặc biệt nhà nước cũng nên có khung giá chuẩn thống nhất hơn cho các dự án để khách hàng so sánh đối chiếu giá cả", ông Đức nhấn mạnh.

Hoàng Lan (dothi.net)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load