Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần giải pháp căn cơ cũng như xem xét trách nhiệm quản lý đối với lãnh đạo các địa phương để tồn tại tràn lan dự án “ma,” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Khu vực dự án "ma" Ohara Villas & Resort nằm trên địa bàn xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình hiện có hơn 30 căn nhà biệt thự đã được xây dựng thô, phần lớn "đã có chủ." (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Mới đây, mạng xã hội liên tiếp xôn xao trước clip ghi lại cảnh nhộn nhịp liên quan đến giao dịch đất nền, chốt cọc chỉ trong vòng vài phút tại một góc đồi thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, đây chỉ là dự án “ma,” bởi trên địa bàn này không có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép.
Thực trạng trên một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gom đất, phân lô làm dự án “ma” đã và đang xuất hiện tràn lan tại nhiều địa phương. Trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý các dự án vi phạm vẫn còn nhiều “khoảng tối” đáng suy ngẫm.
Bóc mẽ chiêu trò gom đất làm dự án “ma”
Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trong vài năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… đã xuất hiện rất nhiều dự án “ma” dưới dạng một quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn, nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Đa số các dự án “ma” này đều có điểm chung là nguồn gốc các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom. Sau đó, chủ đất lợi dụng các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ để tách thửa, xây dựng thành chuỗi biệt thự nghỉ dưỡng để bán.
Điển hình như tại tỉnh Hòa Bình hiện đang tồn tại 8 dự án “ma” do không nằm trong quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sơ pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.
Các dự án “ma” được nhắc trên, bao gồm: Green Oasis Villas Hòa Bình, Beverly Hill, Mountain Villa-Lương Sơn, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp (cùng thuộc địa bàn huyện Lương Sơn); Sun Legend Villa-Đà Bắc Ecolodge tại huyện Đà Bắc. Các dự án còn lại nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình là Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort tại xã Mông Hóa, The Moon Village tại xã Yên Quang.
Điều đáng nói, những trường hợp trên dù là dự án “ma” nhưng các căn biệt thự nghỉ dưỡng rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng với những hình ảnh quảng cáo đẹp như “tiên cảnh trong mơ” và được rao bán liên tục trên nhiều trang thông tin trực tuyến về bất động sản trong suốt thời gian dài.
Khi người mua chi vài tỷ đồng sở hữu một căn biệt thự của dự án “ma” này thì họ có quyền ở hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác nghỉ dưỡng hoặc bán lại.
Điển hình như dự án sinh thái “tự phong” Green Oasis Villas, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình từng chỉ rõ nhiều sai phạm và yêu cầu chấm dứt ngay việc xây dựng, rao bán căn hộ tại dự án, thế nhưng Công ty Cổ phần bất động sản Green Oasis vẫn “phớt lờ” để thi công và rao bán rầm rộ trên các trang mạng.
Hay như dự án có tên Beverly Hill tại huyện Lương Sơn hiện được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội là dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven đô do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư phát triển nhà vườn TAT làm chủ đầu tư; dự án này có quy mô 30 hécta, đang mở bán với 200 căn biệt thự đơn lập, sổ đỏ bàn giao sau 3 tháng.
Tương tự, The Moon Village cũng được quảng cáo trên các trang thông tin bất động sản là dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, quy mô sử dụng đất là 6,7 hécta, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn nghỉ dưỡng Đông Dương làm chủ đầu tư.
Phối cảnh hoành tráng của dự án "ma" Green Oasis Villas Hòa Bình, xây dựng trên địa bàn huyện Lương Sơn được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang bất động sản. (Ảnh chụp màn hình) |
Điều khó hiểu là mặc dù từ năm 2019, dự án này đã được các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khẳng định là dự án “ma” không hề tồn tại trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, nhưng trên các trang thông tin rao vặt, việc rao bán, cho thuê các bất động sản tại dự án “tự phong” Moon Village nói trên vẫn xuất hiện liên tục…
Cần giải pháp đồng bộ, xử lý mạnh tay
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình) cho biết vừa qua, cơ quan này đã công bố 8 dự án “ma” nêu trên.
Việc công bố được triển khai nhằm tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch, phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường bất động sản; không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương cũng như tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái pháp luật.
Theo ông Lập, việc công bố các dự án đã được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình triển khai từ năm 2017. Đến nay, trên địa bàn, cơ bản vẫn chỉ tồn tại 8 dự án “ma” nêu trên. Tức là, số lượng các dự án “ma” không giảm nhưng cũng không tăng.
Vậy lý do vì sao các dự án kể trên đã được công khai, đưa vào “danh sách đen,” nhưng hoạt động quảng cáo, mua bán vẫn diễn ra trong suốt nhiều năm nay?
“Cái khó ở đây là thông tin rao bán bất động sản liên quan đến các dự án trên zalo, facebook lại xuất phát từ nguồn nước ngoài. Cái này không kiểm soát được và thuộc về lĩnh vực thông tin. Hơn nữa, phối cảnh quảng cáo toàn là hình ảnh do các trang cóp nhặt, đến thực tế không có. Chủ yếu các sản phẩm hình thành là do người dân tự xây dựng ở khu vực không nằm trong quy hoạch dự án,” ông Lập nói.
Ngoài ra, theo ông Lập thì “Luật cũng không cấm người dân xây dựng, kinh doanh hay rao bán nhà.” Trong khi đó, thẩm quyền quản lý hoạt động này thuộc về ủy ban nhân dân thành phố và cấp huyện, xã. Sở Xây dựng chỉ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý các dự án xây dựng, các dự án bất động sản nằm trong khu quy hoạch.
Trước thực tế trên, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho rằng phương án cần thiết hiện nay là phải đẩy mạnh quy hoạch và công khai thông tin quy hoạch. Cùng với đó, các cấp và sở tài nguyên môi trường cần hạn chế việc tách thửa đất (sổ đỏ), hạn chế việc “hiến đất làm đường” hay “sạt gạt, hạ cốt nền, cải tạo đất rừng.”
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, đại diện một công ty Luật ở Hà Nội cho rằng cần xem xét trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm của chính quyền các địa phương. Bởi việc các dự án “ma” quy mô không nhỏ với máy móc cơ giới thi công rầm rộ trong thời gian dài, lại được mua đi, bán lại và có cả việc sang tên sổ đỏ thì “không thể nói chính quyền không biết được.”
Vì thế, tồn tại của các dự án “ma” là trái pháp luật và cần được xử lý mạnh tay với bản thân các dự án cũng như cần truy cứu, xử lý triệt để trách nhiệm của cơ quản quản lý các cấp tại các địa phương trong việc để dự án “ma” lan rộng.
Chia sẻ giải pháp ở góc độ thị trường, tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản trên các kênh chính thống hoặc có thể liên hệ tới phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc sở xây dựng để có được thông tin chính xác nhất./.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)