Thứ năm 31/10/2024 07:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Nếp người Tràng An

06:00 | 31/05/2014

(Xây dựng) - Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và lan tỏa tinh hoa ra cả nước,  nơi cốt cách gia đình chiếm một phần quan trọng hình thành nên những nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Sống đàng hoàng, sống tử tế, sống hào hoa, sống thanh lịch, sống có văn hóa, sống văn minh… tất cả những ý niệm tốt đẹp ấy đều thuộc về nếp sống người Hà Nội.


Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Việt.

Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La rồi đổi tên thành Thăng Long, vùng đất rồng thiêng Hà Thành đã được biết đến là đất “Kẻ Chợ”, người dân ở đây cũng được gọi nôm na là “người Kẻ Chợ”, do ở đây cộng đồng dân cư người Việt trú ngụ đông đúc làm ăn buôn bán khá trù phú đã thật sự biến nơi đây thành một cái chợ lớn của cả vùng quanh lưu vực sông Hồng.

Thế kỷ XI, khi kinh đô nước Đại Việt đã định vị ở Thăng Long thì nơi đây trở thành nơi hội tụ quyền lực của quốc gia với thành quách và bộ máy triều đình, hình thành một tầng lớp quan chức được đào tạo qua thi cử, được tuyển chọn theo học vấn.

Một trong những đại diện tiêu biểu của văn minh thời kỳ này là Văn Miếu – Quốc Tử Giám với nguyên lý dựng nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã khiến Thăng Long – Hà Nội là nơi quy tụ trí tuệ và nhân tài của cả nước.

Hà Nội vừa là nơi hội tụ của giới công thương, lại là nơi hội tụ của các cộng đồng từ các làng xã lên làm ăn đem theo sản vật và nghề nghiệp, cũng như lối sống cùng cả cái đình làng và tổ nghiệp, họ sống thành từng phường hội để mang nghề thủ công và sản vật từ làng quê của mình lên trao đổi buôn bán.


Đất “Kẻ Chợ” xưa luôn sầm uất nhộn nhịp, là cái chợ lớn nhất của cả vùng lưu vực sông Hồng.

Các gia đình, từ nông dân, trí thức cho đến những thương gia Tràng An đều đề cao giáo dục và đặt danh dự lên hàng đầu. Người Hà Nội ngày xưa hầu như sống quây quần trong một mái nhà, hình thành nên những gia đình “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường”. Người ông, hay người bà nắm vai trò quan trọng trong việc răn dạy, giáo dục con cháu.

Người Hà Nội coi trọng tôn ti trật tự, “kính trên nhường dưới” và điều này được thể hiện rõ ràng trong bữa cơm hàng ngày. Vị trí ngồi quanh mâm cũng rất được coi trọng, trong đó, người phụ nữ, có thể là mẹ, là chị luôn ngồi đầu nồi. Khi xới cơm không được xới quá đầy. Trước khi ăn phải mời, khi những bậc cao tuổi trong nhà “đụng đũa” mới được phép ăn. Cách sắp xếp mâm cơm cũng vô cùng khéo léo.

Tất cả những món ngon nhất, đầy đặn nhất đều được đặt về phía ông bà để bày tỏ sự kính trọng. Kể cả những nhà buôn hay những gia đình lao động nghèo, bữa ăn của người Hà Nội bao giờ cũng đầy đủ thành viên, tránh việc người ăn trước, người ăn sau.

Trong những ngày giỗ Tết, tất cả con cháu trong nhà dù đi làm xa cũng trở về tề tựu đông đủ. Con cái dù lớn đến đâu luôn giữ lễ nghi chào hỏi, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, người Hà Nội coi trọng lời chào thể hiện tính lịch sự vốn có, kể cả với người lạ.

Đặc biệt đối với người con gái, việc giáo dục lời ăn tiếng luôn được chú trọng. Khi ra đường, thiếu nữ Hà thành luôn nói năng nhỏ nhẹ, khi cười phải ý nhị lấy tay che miệng... Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa e dè, khép nép, tuy không phải lý tưởng và có thể còn xa với lý tưởng nhưng có những nét đẹp đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị.

Những phẩm chất ấy có được là do sự giáo dục chặt chẽ trong gia đình, một nền giáo dục “nghiêm” và “từ”. Ý thức sâu sắc về danh dự và lòng tự trọng không cho phép các thành viên làm việc xấu ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của gia đình. 

Trong tình cảnh thiếu thốn, khó khăn gian khổ ngày xưa đã từng có một cái lệ rất hay, đó là vào mùa nóng, rất nhiều nhà để một lu nước vối, kèm theo một bát trắng ngoài hè để ai đi qua khát tự động lấy uống.

Chính điều đó tạo cho quan hệ hàng xóm làng giềng sự gắn bó khăng khít. Cuộc sống cơ cực, dăm ba bữa chạy sang nhà nhau vay chút gạo để nấu cơm, rồi khi người kia thiếu cũng lại sẵn lòng san sẻ.

Cội nguồn đạo đức truyền thống cộng thêm những tiếp thu nét văn minh của người Pháp giúp cho người Hà Nội sớm có ý thức giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện rõ đạo lý của người Việt “lá lành đùm lá rách”.

Mọi người cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, dần dần trở nên thân tình như người nhà. Cũng bởi coi trọng lễ nghi, gia phong, người Hà Nội rất quý những người hàng xóm biết đạo lý. Câu cảm ơn, xin lỗi được cho là khuôn phép, chuẩn mực trong cách cư xử, lời ăn tiếng nói. 

PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ từng có lời bình luận hóm hỉnh “người Hà Nội thường ghét những thứ đồ giả”. Những kẻ trọc phú, giàu lên nhanh chóng nhờ những việc làm không chính đáng bị coi thường. Tầng lớp nho sỹ có thể rất nghèo nhưng sống rất thanh tao, nên được trọng vọng. Nói một cách hoài cổ, đây cũng là lớp người làm cho văn hóa Hà Nội khởi sắc.

Ngày xưa, đời sống vật chất thấp, người ta tìm đến cái giá trị tinh thần cao. Thời hiện đại, khi đồng tiền lên ngôi, lối sống người Hà Nội phức tạp hơn, giá trị đạo đức đảo lộn, thậm chí xuống cấp, nhiều người lại viễn tưởng muốn quay về lối sống xưa là chưa đúng.

Ta không nên quá khắt khe, than vãn so sánh với những nét đẹp cũ nay trở thành “của hiếm” mà chúng ta vừa thừa kế nét đẹp truyền thống, vừa phải thích nghi cái mới và đổi mới cho phù hợp thời đại.

Lòng tự trọng của người Tràng An bắt nguồn từ ý thức dân tộc, trân trọng và tự hào về truyền thống vẻ vang của tổ tiên, ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong quá trình cách mạng và kháng chiến.

Cũng vì hơn một nửa thời gian trong lịch sử của người Việt Nam là những cuộc chiến tranh mà người Tràng An đã nuôi dưỡng tấm lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình, nghị lực kiên cường, thẳng thắn và đầy nghĩa khí.

Hoàn cảnh đô thị hội tụ người bốn phương nên khách quan đòi hỏi người Hà Nội có đầu óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới. "Khéo tay hay làm, đất lề Kẻ Chợ" là câu ngạn ngữ quen thuộc ca ngợi tài hoa, sáng tạo của những người thợ thủ công kinh thành.

Người Hà Nội xưa và nay có khả năng thích nghi rất nhanh, rất nhạy cảm, khá năng động và không ngại tiếp nhận những cái mới và tìm tòi, cải tiến, sáng tạo thành cái của mình. Điều này thể hiện trong các công trình kiến trúc, văn hóa,…

Nhắc đến vẻ đẹp của người Hà Nội còn phải nhắc đến nếp sống thanh lịch. Sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Sự thanh lịch của người Hà Nội cũng được thể hiện qua từng lời nói. Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước.

Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện ở trang phục. Trong trang phục của cả nam và nữ, của người già và trẻ em… luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị và mỗi người ăn vận đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Trang phục áo dài của thanh nữ Hà Nội vẫn là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.


Áo dài nét thanh lịch của người Hà Nội.

Hà Nội là nơi hội tụ và đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc nên vùng đất và con người Thăng Long cũng là nơi có tinh thần ham học và quý trọng trí thức. Do sống trong môi trường của đô thành, lại có học vấn khá nên người Hà Nội cảm nhận được vẻ đẹp từ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, kiến trúc nghệ thuật, thích thưởng ngoạn những nơi thiên nhiên đẹp, những bức tranh đẹp.

Trong ăn uống của người Hà Nội thể hiện nét thanh lịch ở trình độ thẩm mỹ cao, sự tinh tế trong công việc chế biến thức ăn. Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã sáng tạo nhiều món ăn nổi tiếng trở thành đặc sản Hà thành như: Phở, bún thang, bún ốc, chả cá, bánh cuốn Thanh trì, chè kho, cốm vòng, bánh tôm Hồ Tây…

Có thể nói lối sống “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ấy hợp với một xã hội yên bình, ổn định, với loại người làm ăn hay học hành trong những điều kiện bảo đảm, có mức sống dễ chịu. Đó là lối sống điển hình của lớp trung lưu một thời quen được gọi là “tiểu tư sản thành thị”, hỗn danh là “tạch tạch xè!”.

Bên những đặc trưng truyền thống đã trở thành giá trị văn hóa, cách sống của người Hà Nội xưa cũng là một di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và lưu giữ. Nắm được, nhận thức được các đặc trưng truyền thống, để chọn lọc, phát huy và phát triển những nét truyền thống văn hóa bền vững và gạt bỏ những nếp truyền thống xấu là trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích bãi biển Lộ Diêu – “Địa chỉ đỏ” của ý chí và sự sáng tạo Việt Nam

    (Xây dựng) - Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số là “địa chỉ đỏ” gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

  • Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) – Đền thờ Lý Nam Đế thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là một di tích lịch sử quốc gia quan trọng, nằm trong Khu di tích Lý Nam Đế. Đây là những bằng chứng lịch sử, minh chứng cho tư duy chiến lược về chính trị, chủ quyền lãnh thổ, ý chí quật cường, khát vọng độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam và cần tiếp tục được giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị.

  • Công trình tòa nhà Đại học Tổng hợp trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo

    (Xây dựng) - Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tòa nhà Đại học Tổng hợp sẽ được “đánh thức” từ những dự án nghệ thuật, trở thành điểm tham quan yêu thích của những người yêu tri thức, yêu di sản, yêu nghệ thuật và sự sáng tạo.

  • Cần quan tâm bảo tồn những ngôi biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai

    (Xây dựng) - Với việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh tham mưu phương án nắn đường ven sông để “cứu” biệt thự cổ trăm tuổi “nhà lầu ông Phủ” cho thấy, sự quan tâm về mặt bảo tồn. Từ đó, đem đến hy vọng cho những ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp khác đang bị bỏ quên ở Đồng Nai.

  • Vĩnh Phúc: Ấn tượng chương trình kỷ niệm 120 năm địa danh Tam Đảo

    (Xây dựng) – Tối 26/10, tại quảng trường thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã diễn ra chương trình “Dấu ấn mùa Đông - thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

  • Quảng Ninh: Bình Liêu sôi động văn hóa du lịch vùng biên

    (Xây dựng) - Tối 25/10, huyện Bình Liêu tổ chức chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024. Với chủ đề “Bình Liêu - Mùa hội về”, chương trình văn hóa cộng đồng người thiểu số miền núi sôi động, tỏa sáng hình ảnh "thiên đường" du lịch sinh thái trong mùa thu đông ở địa phương vùng biên phía Bắc của Tổ quốc.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load