(Xây dựng) - Sáng 9/12, HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ hai (kỳ họp thường lệ cuối năm) nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định báo cáo kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND sẽ tập trung xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Nghe thông báo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các báo cáo khác theo quy định. Xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả thực hiện của người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ XIX; kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh. Tiến hành phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn...
Để kỳ họp thành công tốt đẹp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung của kỳ họp. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp, xem xét và thông qua các Nghị quyết đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi cao và nhanh chóng đi vào cuộc sống; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với năm trước và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với 100% (14/14) chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,35%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước tăng 34% so với năm 2023.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 28,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Quang cảnh kỳ họp. |
Đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Tập trung chỉ đạo lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và triển khai các thủ tục tiếp theo để đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; tiếp tục có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Đến ngày 15/11/2024, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 73 dự án (bao gồm 41 dự án đầu tư trong nước và 32 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.303 tỷ đồng và 253 triệu USD.
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo dân chủ, đúng quy định, vượt tiến độ theo kế hoạch. Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với số lượng lớn. Các đơn vị sau sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định từ 01/9/2024 để phục vụ người dân và doanh nghiệp được liên tục.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06 tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực.
Về phương hướng năm 2025, UBND tỉnh xác định mục tiêu tổng quát: Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
Tập trung hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm có sức lan tỏa cao nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Văn Đạt
Theo