(Xây dựng) - Sau khi nghiên cứu Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo trình Quốc hội, chúng tôi thấy việc các Bộ, ngành có sáng kiến trình Quốc hội ban hành là cần thiết. Tuy nhiên, việc ban hành một Luật mới cần tránh gây ra sự chồng chéo lên các quy định đã có. Với Dự thảo Luật Quy hoạch, tôi thấy còn nhiều vấn đề phải bàn. Trong đó, vấn đề đầu tiên là tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh.
Khu công nghiệp Đồng Văn tại Hà Nam do Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.
Phạm vi điều chỉnh theo Dự thảo quy định là: Lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch. Vậy có cần phải nêu rõ là loại quy hoạch nào không? Được biết, đến thời điểm này theo chức năng của các Bộ, ngành, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều Luật chuyên ngành, mà trong các Luật chuyên ngành đều có phần quy định về công tác quy hoạch ngành đó, ví dụ như theo Luật Quy hoạch đô thị thì trong quy hoạch đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; lĩnh vực đất đai có Luật Đất đai, trong đó quy định về quy hoạch đất đai, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi cho từng vùng; trong lĩnh vực quản lý thì có Luật Quản lý; lĩnh vực phát triển rừng cũng đã đề cập đến việc phát triển trồng và bảo vệ từng loại rừng; Luật Biển cũng đã quy định quy hoạch hệ thống cảng biển, hệ thống luồng lạch, quy định vùng nuôi trồng đánh bắt thủy sản trên biển, Luật Giao thông đường thủy, Luật Giao thông đường bộ,… và rất nhiều các Luật chuyên ngành đã được ban hành theo lĩnh vực công tác quản lý nhà nước trong nhiều năm qua. Trong các Luật cũng đều quy định về trình tự, thủ tục, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch do các quy hoạch có đặc thù khác nhau, cấp thẩm định, cấp phê duyệt cũng rất khác nhau. Vì vậy, không thể có một “Luật Quy hoạch” như trong quy định của Dự thảo tại Điều 1 để quy định về lập, thẩm định, phê duyệt như nhau được.
Hiểu như khoản 1 Điều 3 của Dự thảo, nếu là Quy hoạch tổng thể Quốc gia thì phải hiểu: Quy hoạch tổng thể Quốc gia gồm 3 quy hoạch lớn, đó là: Quy hoạch vùng đất Quốc gia, Quy hoạch vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và Quy hoạch vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia. Như vậy lại trái với Điều 1, vì phần trên đã nêu: vùng đất, vùng trời, vùng biển Việt Nam đã được khẳng định chủ quyền từ lâu, theo chức năng Chính phủ phân công cho các Bộ, ngành đã có pháp luật phủ kín các loại quy hoạch. Do vậy, không thể có một loại quy hoạch tổng thể Quốc gia phủ lên các pháp luật về quy hoạch đã có.
Nếu viết như phương án 1 Điều 3 “rà soát những vấn đề chồng chéo, bất cập giữa các quy hoạch ngành” thì đây cũng không phải là Luật Quy hoạch mà phải là Luật sửa đổi các Luật quy hoạch.
Mục 3 Điều 3 có ghi “Quy hoạch ngành Quốc gia”, phải chăng ở đây Ban soạn thảo muốn nói đến các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước phát triển theo từng thời kỳ quy hoạch như: Sản lượng lương thực quy ra thóc, sản lượng thịt, sản lượng sữa, sản lượng cao su, xi măng, sắt thép,…? Đây là các ngành kinh tế độc lập, được Chính phủ giao cho các Bộ ngành chức năng lâu nay đã lập, phê duyệt quy hoạch, nhưng quy định vào mục này không rõ, lại tiếp tục gây chồng chéo.
Mục 5, về Quy hoạch Tỉnh: Những lãnh đạo cấp tỉnh đều biết, tỉnh nào cũng có 01 bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và tầm nhìn 20-25 năm. Trên bản đồ đó là tổng hợp của các quy hoạch, thể hiện các điểm dân cư đô thị, các điểm dân cư nông thôn, các điểm dân cư kinh tế mới hoặc điểm dân cư phải di chuyển, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã, các vùng cây trồng, vật nuôi, vùng rừng phòng hộ, nguyên sinh,… Đồng thời kèm theo một thuyết minh tổng hợp xác định tình hình phát triển từng giai đoạn, ngoài ra còn một số số liệu mà không thể hiện được trên bản đồ, sản lượng lương thực các năm, sản lượng các loại vật nuôi, cây trồng, số lượng bác sỹ, giáo viên trên 1.000 người cho từng năm,… và rất nhiều các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Nếu định nghĩa quy hoạch tỉnh như mục 5 thì các tỉnh sẽ không hiểu quy hoạch trong Dự thảo là loại quy hoạch nào? Và với các quy định trong dự thảo thì thực tế không thể thực hiện được.
Tại Mục 6 Khoản 3, định nghĩa quy hoạch đô thị “là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị…. và “nhà ở”. Điều này đã được nêu trong Khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị thì có nên viết lại vào Luật này không? Cách viết này có vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không?
-Tại Mục 3 Điều 11 Dự thảo ghi:
+ Quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật, pháp luật về xây dựng;
+ Quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị.
Dự thảo Luật quy định như thế là đúng, vì lĩnh vực xây dựng đã có Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội ban hành và đã đi vào cuộc sống. Nhưng chỉ nói riêng về quy hoạch đô thị thì chưa đủ, còn rất nhiều các Luật chuyên ngành như đã nêu ở phần trên, đã có phần quy định về công tác quy hoạch thì Luật này cũng phải loại trừ. Nếu không, các Luật khác như đã nêu đều bị điều chỉnh, việc này sẽ gây ra hiện tượng chồng chéo quy định và không thể thực hiện được.
Nhìn chung Luật này không thể gọi là Luật Quy hoạch chung chung, cũng không thể gọi là Luật Quy hoạch tổng thể Quốc gia vì như đã phân tích ở trên, có lẽ nên gọi là “Luật Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, công việc mà lâu nay Bộ kế hoạch và Đầu tư vẫn làm theo phân công của Chính phủ, trên cơ sở còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện thì cần đưa vào Luật này.
TS Phạm Gia Yên
Theo