(Xây dựng) - Giữa một đô thị lớn như Hà Nội, 13 người đã phải bỏ mạng bởi ngọn lửa vô tình. Sau hỏa hoạn, người ta lại kêu tên, chỉ trách nhiệm.
Cháy một nhà cao 8 tầng mà số người bỏ mạng đã cao như thế, liệu việc ứng cứu đối với các công trình cao tầng khác sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi vốn không mới, song lại chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Rà soát một loạt công trình cao tầng ở Thủ đô, không khó chỉ ra những thiếu xót trong công tác PCCC tại các tòa nhà này. Con số mới nhất mà Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết là, trên địa bàn TP có 38 công trình nhà cao tầng chưa được nghiệm thu PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo đúng quy định, tất cả tòa nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng đều được nghiệm thu và phải đảm bảo thực hiện đúng Luật PCCC như ban hành nội quy thoát nạn; thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, được huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy; bảng kê theo dõi phương tiện chữa cháy; lập phương án chữa cháy… Thế nhưng, hiện TP Hà Nội có 1.075 công trình nhà cao tầng, trong đó, có 916 công trình đã đưa vào hoạt động. Nhưng có quá nửa số này có vấn đề về PCCC, trong khi phương tiện hiện nay chỉ có thể cứu hỏa từ tầng 10 trở xuống. Không những thế, nhiều tòa nhà cao tầng nội quy chưa được hoàn thiện, lực lượng phòng cháy cơ sở (tại chỗ) còn mỏng và yếu. Cá biệt có ngôi nhà lực lượng PCCC chưa sử dụng thành thạo các phương tiện. Đó là chưa kể tình trạng, hệ thống PCCC xuống cấp một cách nghiệm trọng, không được duy tuy bảo dưỡng, sự hợp tác của một số hộ dân sống trong những tòa nhà đó chưa được tốt. Người dân sống trong các chung cư này còn để những chướng ngại vật ra hành lang, cầu thang thoát nạn hoặc những vật cản trở ở nơi chữa cháy. Khi có cháy, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Thực trạng vận hành các cao ốc cao tầng thì như thế, khả năng ứng cứu của lực lượng chữa cháy còn “khiêm tốn” hơn. Hà Nội có 29 quận huyện, nhưng chỉ có 9 đội PCCC. Phương tiện hiện nay chỉ có thể chữa cháy được từ tầng 10 trở xuống. Toàn TP Hà Nội mới có một xe thang 52m, 2 xe thang 32m và gần 50 chiếc chuyên dụng (xe thang, chữa cháy và chở nước) - Một thống kê khiến những cư dân ở các tòa nhà cao tầng khó có thể an lòng.
Thủ đô thì như thế, đô thị lớn nhất nước là TP.HCM cũng chẳng hơn gì. Hơn 3 tháng trước TP.HCM đã phê duyệt Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn đến năm 2025, với nguồn kinh phí gần 8.160 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, đã có nhiều đề xuất nhằm tăng cường năng lực cho công tác chữa cháy và đội ngũ làm nhiệm vụ này như: Mua trực thăng để phục vụ công tác chữa cháy, rồi việc tăng cường lực lượng chữa cháy, bố trí quỹ đất để xây dựng các đơn vị Cảnh sát PCCC, nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ, thời gian chữa cháy… Song, từ quy hoạch đến thực tiễn là cả một khoảng cách. Bởi lẽ, hiện tại, toàn TP.HCM, PCCC đối với nhà cao tầng cũng đang là vấn đề đáng quan ngại và đây cũng là vấn đề rất lớn đối với TP. Các dữ liệu thuyết trình cho quy hoạch ngành PCCC TP.HCM cho biết, về lý thuyết, thiết bị xe thang mà TP đang có, có thể vươn lên tầng 18, nhưng thực tế khi có cháy xảy ra, do tác động bởi nhiều yếu tố, thì tối đa chỉ vươn lên được tầng 14 - 15.
Đây chính là yếu tố khiến nhiều người lo ngại khi xảy ra hỏa hoạn tại các tầng cao, tình trạng vô phương cứu chữa là nhãn tiền.
Ngọc Lý
Theo