(Xây dựng) – Vương vương chút se se cuối xuân, chút tươi mới nơi đầu hạ, những bông mộc miên đua nhau bung tỏa đỏ rực những góc trời. Mộc miên vẫn là đẹp nhất, quyến rũ nhất khi có nắng…
Mộc miên bung tỏa trong nắng. |
Khi những cơn mưa xuân đã dần qua, những tia nắng ấm áp đầu tiên mang hơi thở của mùa mới xuất hiện cũng là lúc những cánh mộc miên khoe sắc thắm. Hoa nở cũng báo hiệu cho một mùa mới - mùa của sự đơm hoa kết trái. Những tên gọi của mộc miên cũng gắn với chính những nét đẹp riêng có có của loài hoa này: Là mộc miên chung thủy, là pơ-lang mơ mộng, yêu kiều hay chỉ đơn giản là hoa gạo chân thật. Dù mỗi vùng miền có một tên gọi khác nhau, nhưng tựu chung lại mộc miên vẫn là một loài hoa mang đậm nét của những người dân ở miền quê Bắc Bộ: Dung dị, chất phác, hiền lành…
Hoa nở báo hiệu mùa hạ sang. |
Nếu như phớt hồng của hoa đào báo hiệu mùa xuân tới thì màu đỏ rực của mộc miên lại là dấu hiệu của hạ sang. Khi những chiếc lá già cỗi rụng xuống để những mầm non đâm chồi và những nụ đỏ đơm bông là lúc sắc xuân kia nhường chỗ cho hạ về. Mộc miên chỉ nở rực rỡ nhất trong khoảng 1 tháng, nhưng ngay cả khi lìa cành thì hoa vẫn nguyên vẹn 5 cánh chứ không tàn lụi, kém sắc, nhạt hương.
“Hoa mộc miên có ai nhuộm cánh đâu
Mà khi rụng vẫn một màu đỏ chói
Rơi bên đường có điều chi muốn nói
Hoa úa tàn cho ai nhói tim đau…”
Con đường thân thuộc của lũ trẻ không thể thiếu bóng mộc miên. |
Mộc miên thường được trồng ở đầu làng hay những khoảng đất rộng ở mọi miền quê, nhất là vùng quê Bắc Bộ. |
Từ những thân cây già cỗi, xù xì theo năm tháng trổ lên những bông hoa rực rỡ, những chồi non mơn mởn. Cái màu đỏ ấy làm ta say mê, choáng ngợp đến lạ thường. Bông mộc miên to đều, chắc chắn, cánh dầy, mịn và nở thành từng chùm. Lạ lùng thay, cây càng già, càng to thì đơm bông càng nhiều, ngỡ như bao nhiêu nhựa sống, tinh túy của cây dồn hết cho sắc hoa tươi thắm ấy để rồi “Hoa lung linh sáng bừng như thắp lửa/ Đỏ rực khung trời ngây ngất hồn ta…”.
Có một điều lạ với mộc miên, khi thân cây càng già, hoa lại càng nhiều và thắm sắc. |
Tháng 3 về, đi khắp mọi miền quê Việt Nam, nhất là những vùng làng quê Bắc Bộ nhiều nơi rực những đốm lửa đỏ. Đã từ lâu, cùng với cây đa, bến nước, sân đình, mộc miên cũng được coi như 1 biểu tượng của làng quê. Người xưa có câu “hồn cây đa, ma cây gạo” vì cho rằng, thân cây mộc miên là nơi trú ngụ của các hồn ma vất vưởng. Có thể vì lẽ đó, mộc miên thường được trồng ở các đình, chùa, đầu làng hay trên những khoảng đất rộng. Người nông dân có phần nể nhưng cũng có phần sợ, lại có phần yêu thương màu hoa đỏ ấy.
Mộc miên ở Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) trổ bông, đơm sắc tô điểm thêm cho không gian ngôi chùa cổ. |
Mộc miên như một biểu trưng cho nét tính cách của con người Việt Nam. Nét ấy là chịu thương, chịu khó, là sừng sững, hiên ngang, là bao dung, hy sinh và chịu đựng như thân cây già cỗi, xù xì vẫn vững chãi, chở che, bao bọc để có những “đốm lửa” đỏ rực. Nét ấy là sự mặn mà, xuân sắc như những bông hoa vươn mình đón nắng. Nét ấy cũng chính là sự dẻo dai, bền bỉ khi dù phải rụng xuống vẫn chưa chịu tàn.
Khung cảnh yên bình nơi làng quê Việt. |
Cuộc sống hiện đại, tranh đua vật chất đôi khi khiến con người quên đi những giá trị tinh thần. Nhưng, tận sâu trong tâm hồn mỗi người hẳn vẫn có một khoảng lặng để thương, để nhớ, để vấn vương và chiêm nghiệm. Góc trời rực lửa không chỉ lung linh trong nắng mà còn chứa đựng cả một miền ký ức của nhiều người con đất Việt.
Thảo Anh (Ảnh: Hải Hà)
Theo