Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) và di tích Khu trại giam là mô hình kết hợp bệnh viện - trại giam đặc biệt và duy nhất tại Việt Nam, cũng thuộc dạng hiếm trên thế giới.
"Từ khi hình thành đến ngày đất nước thống nhất, Bệnh viện Chợ Quán được người dân nhắc đến với sự tôn trọng lẫn kiêng dè", TS BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đề cập tại bài tham luận gửi tới hội thảo khoa học tầm quan trọng, giá trị lịch sử Khu trại giam bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh diễn ra ngày 26/5.
Theo Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, ngoài nhiệm vụ là nơi điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng, nguy kịch, Bệnh viện Chợ Quán từng là địa chỉ tiếp nhận, cách ly điều trị các bệnh nguy hiểm mà ai nghe qua cũng sợ như dịch tả, dịch hạch, kiết lỵ, thương hàn, não mô cầu, sốt rét ác tính... Hay các bệnh mà định kiến xã hội khi ấy còn phân biệt như hoa liễu, tâm thần, phong, hủi.
Các đại biểu dự hội thảo dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trần Phú tại khu di tích (Ảnh: H.N.). |
"Nhưng ít người biết rằng, gắn với những biến động của đất nước qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bệnh viện từng có khu trại giam là nơi giam giữ, điều trị cho những tù nhân thường, tù nhân chính trị. Đây cũng là nơi giam giữ các lãnh tụ, chiến sĩ kiên cường", vị bác sĩ điểm lại.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhìn nhận, Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) và di tích khu trại giam trong bệnh viện là mô hình kết hợp bệnh viện - trại giam đặc biệt và duy nhất tại Việt Nam, cũng thuộc dạng hiếm trên thế giới.
Khu biệt giam bên trong di tích khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (Ảnh: H.G.). |
Thời gian hoạt động của Bệnh viện Chợ Quán đa phần trong thời chiến tranh. Các ghi chép, tư liệu về bệnh viện và di tích giai đoạn trước năm 1975 còn thiếu và thất lạc khá nhiều. Do đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường sưu tầm, thu thập, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh về di tích khu trại giam trong lòng bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam để người dân, các thế hệ hiện nay, mai sau hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng, dấu ấn lịch sử, văn hóa.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin, đề án tu bổ, tôn tạo Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh đã được Ban Thường vụ Thành ủy thành phố thống nhất triển khai.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: H.N.).
Công trình tu bổ di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. Đây cũng là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử gắn liền với cố Tổng Bí thư Trần Phú và các nhà hoạt động cách mạng khác.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, việc trưng bày các nội dung về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú cùng các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, đặc biệt là việc tái hiện các nhóm tượng tại phòng giam của khu di tích cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất về hình thức, nội dung để trưng bày, thuyết minh tạo cảm xúc cho người xem.
"Việc tu bổ, tôn tạo di tích theo nguyên trạng, đảm bảo các hạng mục phù hợp về thiết kế kiến trúc cảnh quan, yếu tố lịch sử, chất lượng công trình, độ bền vật liệu, đúng tiến độ", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Tại kỳ họp diễn ra ngày 18/4 vừa qua, HĐND TPHCM khóa X đã thống nhất thông qua quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1, dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán. Đây là nơi cố Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh vào năm 1931. Dự án được thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố với tổng vốn hơn 33 tỷ đồng. UBND TPHCM đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 5 là chủ đầu tư của dự án trên. Dự án được thực hiện và có thời gian phân bổ vốn từ năm 2023 đến năm 2025. Di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988. Đây là công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu, ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của cố Tổng Bí thư Trần Phú và một số cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, có ý nghĩa chính trị, văn hóa - xã hội sâu sắc. |
Theo Q.Huy/Dantri.com.vn