Quá mê mẩn trước vẻ đẹp của các căn nhà cổ ở nơi đây, vị khách Hàn Quốc phải thốt lên rằng “Bomul" (nghĩa là "báu vật") rồi xin ở lại nhà để chiêm ngưỡng những gì tinh tuý nhất từ ngôi nhà ấy.
Làng Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) được thành lập cách đây hơn 400 năm. Ngôi làng nằm nép mình bên dòng Ô Lâu thơ mộng, phân cách một phần ranh giới giữa tỉnh Quảng Trị và TT-Huế.
Cổng làng Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Kết cấu những ngôi nhà cổ này khá thấp.
Cùng với vẻ đẹp dân dã của miền quê trù phú, nét độc đáo được nhiều người biết đến của ngôi làng này chính là việc ở đây có 20 căn nhà có tuổi đời trên 100 năm được dân làng giữ gìn qua nhiều thế hệ.
Một số cụ cao niên tại làng Hội Kỳ cho biết, trước năm 1975, tại làng này có hơn 100 ngôi nhà cổ với giá bán là hàng chục cây vàng lúc bấy giờ.
Theo thời gian với nhiều biến động lịch sử, đến nay số lượng nhà cổ đã giảm đi chỉ còn lại khoảng 20 căn và làng Hội Kỳ được xem là ngôi làng cổ nhất ở tỉnh Quảng Trị.
Không gian thờ tự trong các ngôi nhà cổ ở Hội Kỳ.
Tìm hiểu của PV được biết, 5 ngôi nhà cổ nhất làng Hội Kỳ thuộc về sở hữu của 5 gia đình giàu có ngày trước là Chánh tổng Tổng An Thư tên là Dương Văn Chương; ông Dương Quang Trì (còn gọi là Bảng Trì), ông Dương Quang Thùy, ông giáo Độ và ông Ký.
Có một ngôi nhà khác ở làng Hội Kỳ được mua từ nơi khác về, dựng lại, có niên đại 200 năm của ông Dương Văn Ngọc, hiện còn nguyên vẹn.
Theo ông Nguyễn Văn Đản (một người dân làng Hội Kỳ), vào năm 2019, một du khách người Hàn Quốc đến làng Hội Kỳ tham quan và tìm đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Dương Văn Chương.
Tranh, câu đối được chủ nhà treo tường phía trên các cánh cửa.
Tại đây, trước vẻ đẹp “mê mẩn” của ngôi nhà cổ, vị khách này đã phải thốt lên rằng “Bomul" (nghĩa là "báu vật") rồi xin được ở lại qua đêm trong căn nhà để tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của các căn nhà cổ trong làng cũng như cảm nhận nét yên bình của vùng quê Quảng Trị.
Căn nhà gỗ vô giá
Từ lời giới thiệu của một cụ cao niên, chúng tôi tìm đến căn nhà của 2 anh em ông Dương Văn Mạnh và chị Dương Thị Ngọc - căn nhà cổ được xem là tiêu biểu nhất của làng Hội Kỳ.
Nội thất trong nhà được gia chủ treo các bức hoành phi, bức liễn, câu đối…
Ngôi nhà có tên là Tích Khánh Đường, nguyên gốc là của ông Dương Văn Chương, sau đó truyền lại thêm một đời rồi mới đến ông Dương Văn Mạnh cùng chị Dương Thị Ngọc ở ngay sát bên trông coi.
Ông Mạnh cho biết, ông từng có thời gian công tác tại bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng, ông trở về quê sinh sống tại làng Hội Kỳ.
“Khi ấy, ngôi nhà này từng được trả tới tận gần 50 cây vàng, quy ra giá trị tới khoảng 19.000 tiền miền Bắc nhưng dòng tộc tôi quyết giữ lại và không bao giờ bán vì nó là vô giá”, ông Mạnh cho biết.
Những hiện vật được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Do tồn tại quá lâu nên đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp trong một số ngôi nhà.
Nhấp ngụm trà đặc được rót từ bình trà cổ, ông Mạnh cho biết thêm, cũng giống như kiến trúc những căn nhà cổ khác tại làng Hội Kỳ, ngôi nhà này có chiều ngang 12,3m, rộng 9,5m theo kiến trúc 3 gian 2 chái.
Để dựng được căn nhà này, chủ nhân ban đầu phải dùng tới 49 cột gỗ mít, mỗi cột phải đặt đúng quy định, cách nhau dưới 1,5m.
Nhà thờ cổ họ Nguyễn tại Hội Kỳ.
“Nhà có dãy cửa bảng khoa với 18 lá và mái được lợp từ 45.000 viên ngói, kết dính với nhau bằng đất sét hoặc vôi (thay cho xi măng ngày nay).
Gian giữa là nơi thờ tự có treo bức hoành phi ghi “Tích Khánh Đường” bằng bằng chữ Hán. Hai bên có 4 bốn bức liễn chữ Hán mang tính giáo dục cháu con đời sau”, ông Mạnh tâm sự.
Nhà cổ ở Hội Kỳ chủ yếu được làm từ gỗ mít, có thiết kế với 3 gian và 2 chái.
Cụ Nguyễn Văn Bách - một người cao tuổi tại làng Hội Kỳ cho biết, trong số hàng chục ngôi nhà cổ còn sót lại tại làng, nhiều ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà rường với chất liệu chủ yếu bằng gỗ mít.
Trước đây, tùy vào nhu cầu và điều kiện của mỗi gia đình mà nhà được thiết kế khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là kiểu 3 gian 2 chái hoặc 1 gian 2 chái.
Những hoạ tiết chạm trổ trong Tích Khánh Đường.
Đầu rồng ở các vì kèo, biểu tượng của sự sung túc, quyền lực trong làng quê thời đó.
Nhìn chung, những ngôi nhà ở đây có một nét chung là hơi thấp nhưng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, có thể chống được bão.
“Những ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ là nơi lưu giữ nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc rất đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Nơi đây còn là biểu tượng cho sự tài hoa trong việc xây dựng kiến trúc của thế hệ đi trước. Trước sự biến mất dần những mái nhà cổ, nhiều năm qua người dân Hội Kỳ đang cố gắng tìm cách để bảo tồn và phát huy những gì còn lại”, cụ Bách chia sẻ.
Theo Bảo Lâm – Quang Thành/Vietnamnet.vn