Tôi quen Sáu Minh dễ đến trên 20 năm. Ngày ấy, tôi là thành viên Đoàn chỉ đạo xây dựng HTX Long Thạnh (huyện Giồng Riềng) của Tỉnh ủy Kiên Giang, còn Sáu Minh là đội trưởng Đội sản xuất số 4. Gần một năm cùng ăn cùng ở và cùng làm, lại cùng trang lứa nên tôi với Sáu Minh trở thành bạn bè thân thiết từ lúc nào chẳng hay.
Sáu Minh là một Hai Lúa thứ thiệt, rặt chất Nam bộ: Chịu làm, chịu chơi và đã chơi là chơi tới bến. Anh có một thú vui: Mê hoa mai và rất thích chơi mai. Vườn nhà anh rộng 4 công và chỉ trồng duy nhất một loại cây là mai vàng. Mai nhà anh đủ loài: Mai 5 cánh, 9 cánh, 12 cánh và có cả loài mai ghép 22 cánh màu hồng nhạt hao hao giống hoa đào xứ Bắc.
Bẵng đi một thời gian dài chúng tôi không gặp nhau. Hôm rồi, khi về thăm cụm dân cư vượt lũ Sơn Kiên (huyện Hòn Đất), tình cờ tôi gặp lại anh. Sắp bước vào tuổi lục tuần nhưng Sáu Minh vẫn cường tráng, giọng nói vẫn rổn rảng như xưa. Kéo tôi vào nhà, anh lôi ngay chai đế trong veo đặt lên bộ ngựa và giục con dâu nướng mấy con khô sặc rằn, chạch trấu, cá lóc ướp tiêu đường. “Rượu vào lời ra”, Sáu Minh kể tuồn tuột một lèo về quãng thời gian 9 năm “làm lại cuộc đời” trên mảnh đất được coi là “rốn phèn của châu Á” này.
Sáu Minh kể: “Ngày ấy, sau khi HTX và các tổ đội sản xuất bị bể, nhà tui có đến 9 đứa con, thêm 2 vợ chồng và má nữa, vị chi 12 người tất thảy. 12 người, 8 công ruộng làm sao sống nổi? Vợ chồng tui tính nát nước và cuối cùng quyết định: 4 đứa lớn theo tui lên tứ giác Long Xuyên lập nghiệp, còn nhà tui ở lại lo cho bà nhà và sắp nhỏ. Nhớ lại những gian truân của thuở ban đầu, gần chục năm đã trôi qua nhưng tui vẫn nổi da gà. Mùa mưa nước trắng đồng, nước ngập vô nhà trên 2m. Mọi sinh hoạt đều ở trên bè chuối hoặc nhà nào khá hơn thì mua tràm đóng sàn ngay trong nhà để ở. Phương tiện đi lại duy nhất là chiếc tam bản. Nói thiệt, nhiều hôm thèm rượu quá, tui bơi xuồng 6 cây số mới ra đến lộ (thị tứ Sóc Xoải) để mua. Còn chuyện học hành của sắp nhỏ… dẹp hết vì các thầy cô ớn cảnh mùa mưa nước trắng đồng; mùa nắng không có nước sinh hoạt (vì nước phèn mặn) nên vùng này coi như vùng trắng “ba không”: Không trường, không lớp, không thầy cô giáo”. Sau một lúc trầm ngâm, Sáu Minh kể tiếp: “Đến thú vui và là sở thích trồng mai, chơi mai của mình cũng đành chịu thua ông trời. Năm bảy bận cha con tui hì hục bứng mấy gốc mai thiệt đẹp ở vườn nhà lên đây trồng, nghĩ là gốc mai lâu năm chịu được đất này, ai dè sau 2-3 tháng ngập lũ, lá rụng trơ cành, gốc thúi, chết ráo trọi. Tết về, đi quanh khắp xóm, hổng thấy một bụi mai nào, nghe lòng chống chếnh, nôn nao…”.
Một góc KDC vượt lũ Sơn Kiên.
“Ba năm trở lại đây, xứ này đã đổi khác như lột xác” - Sáu Minh hồ hởi khoe. Anh kéo tôi ra mảnh vườn rộng khoảng 200m2 phía sau nhà. Nhìn 4 gốc mai nụ chi chít, nụ nào nụ nấy no tròn đang chực nở, anh nói với tôi mà như đang nói với chính mình: Phải công nhận Nhà nước ta có tầm nhìn xa. Cho xẻ kênh, rửa phèn, xả lũ nên hơn hai chục vạn héc-ta đất phèn tứ giác Long Xuyên ngàn năm qua vốn hoang hóa, giờ đây mới trở nên màu mỡ. Có đất làm ăn ngon lành, nhưng có “an cư mới lạc nghiệp” được. Chương trình tôn cao nền nhà, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ 3 năm trở lại đây thực sự đã làm thay đổi căn bản đời sống mọi mặt của một vùng đất vốn rất giàu lúa gạo nhưng còn nhiều khó khăn. Trước đây, vào vụ lúa, dân dồn về đây làm ruộng, nhưng hết mùa lại tản đi mọi nơi, vì mấy ai chống chọi được với lũ ngập 2-3 tháng mỗi năm. Mùa lũ, cá đầy đồng, giăng lưới đặt lợp một đêm kiếm vài trăm ngàn đồng khỏe re nhưng ai trông coi sắp nhỏ, bà già. Sơ sẩy một tý là nhà có chuyện lớn nên trăm kế, duy có kế “tẩu” là an toàn. Bây giờ thì khác. Đận lũ vừa rồi to lắm nhưng nền đất ở đây vẫn cao hơn 5-6 tấc nên không sợ ngập, người lớn cứ việc giăng câu, trẻ nhỏ cứ vô tư đến lớp học hành. Thiệt sướng!
Dạo quanh một vòng trong ấp, tận mắt nhìn thấy những đàn trẻ thơ vui đùa trên những sân trường cao ráo, lớp học được xây kiên cố; những trạm xá sạch sẽ, khang trang… mới thấm thía ý nghĩa nhân văn của chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL.
Và tôi chợt nghĩ, những gốc mai vàng ở vườn nhà Sáu Minh đang e ấp nụ chờ hé nở khi nàng Xuân gõ cửa từng nhà ở cụm dân cư vượt lũ Sơn Kiên này dường như đang báo hiệu một vụ lúa Đông Xuân bội thu đang đến.
Bình Giang
Theo baoxaydung.com.vn