Thứ bảy 27/04/2024 16:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng tạo nguồn lực phát triển đồng bộ

16:59 | 20/03/2024

(Xây dựng) - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có nhiều quy định mới, quan trọng được kỳ vọng tạo cơ chế, nguồn lực phát triển đồng bộ.

Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng tạo nguồn lực phát triển đồng bộ

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 Điều nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Luật tập trung xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia về những điểm mới mang tính đột phá, được kỳ vọng nhiều nhất của Luật Đất đai (sửa đổi):

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA): Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện sử dụng đất thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh

Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng tạo nguồn lực phát triển đồng bộ
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA).

Hiệp hội rất hoan nghênh Quốc hội (sáng 18/01/2024) đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai để “thể chế hóa” Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã xây dựng thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Hiệp hội rất hoan nghênh Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định thông thoáng việc “sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất” hoặc “đang có quyền sử dụng đất” đối với hầu hết các dự án phát triển kinh tế - xã hội bao gồm cả dự án nhà ở xã hội, chỉ trừ một số hạn chế đối với dự án nhà ở thương mại do điểm b khoản 1 Điều 127 quy định “b) Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở” và khoản 6 Điều 127 quy định “Người đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác có đề xuất dự án đầu tư nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án”.

Do vậy, Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện sử dụng đất rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (không bao gồm dự án nhà ở thương mại) như phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí…

Nhưng Hiệp hội nhận thấy, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai 2024 có thể dẫn đến hệ quả là trong khoảng 5-7 năm tới đây thì thị trường bất động sản nhà ở thương mại sẽ tiếp tục thiếu nguồn cung quỹ đất dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại do Tổ chức phát triển quỹ đất chưa thể tạo quỹ đất, “phát triển quỹ đất; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” để thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, nên vô hình chung với quy định “chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở” cùng với khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định “trường hợp để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác” sẽ “làm lợi” cho các nhà đầu tư “đã có sẵn quỹ đất dự án nhà ở thương mại” đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là chủ đầu tư các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại quy mô lớn có cơ hội “chiếm lĩnh thị trường”.

Do vậy, Hiệp hội rất hoan nghênh Quốc hội cho phép trường hợp xét thấy cần thiết thì Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật Đất đai.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đất đai, bất động sản: Sứ mệnh của Luật Đất đai là biến đất đai thành nguồn lực phát triển

Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng tạo nguồn lực phát triển đồng bộ
Chuyên gia pháp lý đất đai, bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh.

Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) là quá trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn: Vì sao nguồn lực đất đai chưa thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển? Vì sao sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp? Vì sao các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai ngày một nhiều và gay gắt hơn?... Nhiệm vụ trọng tâm của Luật Đất đai 2024 đã được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng: Nguồn lực đất đai phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Việc quản lý, sử dụng đất phải đảm bảo công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đi vào từng quy định, có thể thấy đạo luật này sẽ tạo cơ hội tốt cho tăng trưởng. Luật quy định tăng cường đấu giá, đấu thầu để chủ yếu phân bổ nguồn lực đất đai thông qua cơ chế thị trường. Theo đó, Luật đã liệt kê cụ thể các trường hợp giao đất trực tiếp không qua đấu giá, đấu thầu và đều là các trường hợp sử dụng đất có giá trị thương mại không cao, chủ yếu phục vụ an sinh xã hội, ví dụ: Giao đất làm nhà ở xã hội, giao đất ở cho giáo viên, nhân viên y tế tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện khó khăn...

Ngoài các trường hợp trên thì luật quy định phải đấu giá, đấu thầu khi giao đất, cho thuê đất. Đây là những phương thức cạnh tranh nhằm lựa chọn những nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh, có năng lực kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm cao, đặc biệt phải có năng lực “thật” thông qua các dự án đã hoàn thành. Điều đó giúp “thanh lọc” thị trường, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải liên kết hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn để tăng khả năng cạnh tranh, giúp thị trường phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp. Đồng thời cơ chế đấu giá, đấu thầu còn hạn chế triệt để các “doanh nghiệp sân sau” được giao đất trực tiếp theo cơ chế chỉ định là lý do căn bản khiến nguồn lực đất đai không được khai thác, sử dụng hiệu quả suốt những năm qua.

Các chính sách mới mang tới sự lạc quan về việc biến đất đai thành nguồn lực quan trọng cho phát triển. Chính sách đất đai thời kỳ mới sẽ tạo ra dư địa cho tăng trưởng kinh tế nhưng không được phép bỏ quên lợi ích của nhóm chủ thể “người dân”. Trái lại, người dân phải được quan tâm đầu tiên và phải đóng vai trò trung tâm của mọi chính sách pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản: Bộ luật tạo các khung hành lang pháp lý mới giúp phát huy tối đa nguồn lực mang lại từ đất đai

Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng tạo nguồn lực phát triển đồng bộ
Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản.

Nội dung Luật Đất đai mới đã điều chỉnh và bổ sung rất nhiều quy định cản trở sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua và tạo các khung hành lang pháp lý mới giúp phát huy tối đa nguồn lực mang lại từ đất đai.

Trong số đó, quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích tại Điều 218 là điểm nhấn đặc biệt ở Luật này. Cụ thể tại khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:

a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu.

b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ.

c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ.

d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;.

đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này.

e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ.

g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.

Điều này giúp khắc phục nhiều bất cập trong thời gian qua bởi nguyên tắc: Đất sử dụng đúng mục đích và hầu như mỗi thửa đất đều gắn liền với một mục đích sử dụng duy nhất, khi muốn sử dụng khác mục đích phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để điều chỉnh quy hoạch, đăng ký chuyển mục đích với hàng loạt thủ tục nhiêu khê và phức tạp.

Điều này đặc biệt góp phần khơi thông mạnh mẽ giá trị kinh tế của đất nông nghiệp khi cho phép kết hợp đa dạng mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Loại hình Farmstay phát triển lâu nay kiểu “lách luật” nay đã có nền tảng pháp lý phát triển rõ ràng.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load