Sinh sống ở khu phố cổ nhiều năm, chủ nhà đã quyết định mua căn hộ sát vách để nối thông và "lột xác" nó bằng thiết kế nội thất theo phong cách Indochine với vật liệu chủ đạo là tre, nứa và gỗ.
Sống ở Hàng Vôi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều năm, chủ nhà đã quen nếp sống ở khu phố cổ. Do đó, dù có điều kiện để chuyển tới nhà mới, nhưng chủ căn tập thể cũ vẫn quyết tâm sửa lại căn hộ đã gắn bó nhiều năm.
Căn hộ cũ diện tích cũng không rộng nên chủ nhà đã mua lại căn hộ sát vách để nối thông nhằm tăng diện tích và công năng sử dụng.
Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thắng, căn hộ nằm trên phố cổ nên nhóm thiết kế đã tư vấn chủ nhà về ý tưởng nội thất mang hơi hướng của thời kỳ trước năm 1945. Căn hộ sẽ vừa có chút cổ điển đặc trưng của phương Tây, vừa mang trong mình nguồn cảm hứng đậm chất Á Đông.
Căn tập thể cũ nằm trên phố Hàng Vôi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
"Kết hợp trong phong cách thiết kế nội thất này sẽ giúp chủ nhà cảm thấy thư giãn mỗi khi trở về nhà và bỏ lại sự xô bồ, chật chội nơi trung tâm Thủ đô sau cánh cửa" - anh Thắng nói.
Chia sẻ về phong cách nội thất Indochine được thiết kế trong căn hộ, KTS Nguyễn Thắng cho biết, đây là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tân cổ điển và cảm hứng vùng miền tạo ra phong cách đông dương hiện tại.
Bước vào không gian Indochine, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự mãnh liệt, nồng nàn nhưng vẫn không kém phần tinh tế, sang trọng; là phong cách mà sau các kiến trúc sư biến đổi từ phong cách cổ điển của Pháp.
Phía trong căn hộ tập thể không có dấu ấn của thiết kế nội thất. |
Thay vì gạch đá xi măng của tân cổ điển, theo KTS này, các chất liệu tre, nứa, gỗ…được sử dụng nhiều hơn. Tất cả đồ trang trí đều được làm thủ công bởi sự tài hoa của thợ lành nghề, sự giản dị, gần gũi thiên nhiên và văn hóa cổ truyền luôn là đặc trưng của không gian Indochine.
"Với các không gian vừa phải, không quá rộng lớn như căn nhà tại Hàng Vôi thì Indochine là lựa chọn hợp lý" - anh Thắng khẳng định.
Do nằm trên phố cổ lại là tập thể cũ, nên việc thi công gặp đôi chút khó khăn. Nhưng theo KTS Bùi Sơn, căn hộ cơ bản như một nhà mới xây thô, chưa có dấu ấn nội thất dù đã ở nhiều năm. Vì thế, các KTS chỉ việc thiết kế nội thất mới mà không phải chắp vá, sửa chữa.
Cũng theo KTS này, điểm nhấn của phong cách Indochine chính là sự tỉ mỉ của đồ gỗ, các đường nét phào chỉ gỗ. Do đó, nhóm thiết kế đã sử dụng gỗ sồi tự nhiên với hoa văn tinh tế và được sơn màu tối. Các mảng gạch bông với những nét nhấn nhá trên nền bê tông mài, các mảng tranh tường mang màu sắc cổ điển cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên phong cách Indochine.
Một phần không gian của căn nhà trước khi cải tạo lại. |
Các đường nét thiết kế tinh tế và tỉ mỉ trên đồ gỗ theo vị KTS này cũng giúp ngôi nhà toát lên vẻ điệu đà, duyên dáng nhưng không kém phần tinh tế - nét đặc trưng của phong cách này.
"Khác với hoa văn trang trí bằng bê tông, thạch cao của nội thất Tân cổ điển Pháp, Indochine đã biến đổi các đường nét ấy giản lược, thay bằng gỗ mộc mạc" - anh Sơn chia sẻ.
Một số hình ảnh căn hộ sau thiết kế:
Căn nhà tập thể cũ được "lột xác" bằng phong cách nội thất sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên. |
Chất liệu tre, nứa, gỗ sồi giúp căn nhà mềm mại hơn những mảng bê tông khô cứng. |
Indochine chính là phong cách mà các kiến trúc sư biến đổi từ phong cách cổ điển của Pháp. |
Điểm nhấn của phong cách Indochine chính là sự tỉ mỉ của đồ gỗ, các đường nét phào chỉ gỗ. |
Phong cách Indochine mang lại nét hoài cổ về Hà Nội xưa. |
Theo Thế Hưng (Ảnh: A8+Studio)/Dantri.com.vn