Thu nhập giảm trầm trọng nhưng khoản nợ ngân hàng vay mua nhà vẫn phải trả gốc và lãi đều. Chi phí sinh hoạt mùa dịch cũng tăng cao hơn, vợ chồng tôi thực sự “điên đầu” mỗi khi nghĩ đến bài toán tài chính.
Cuối năm 2020, với số tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng, vợ chồng tôi tính đến chuyện mua nhà Hà Nội. Với nguồn lực khiêm tốn như vậy, ban đầu vợ chồng tôi xác định chỉ mua căn nhà mặt đất có giá dưới 1,7 tỷ đồng ở quận Long Biên. Tuy nhiên, sau khi đi xem nhiều căn nhà trong tầm giá ấy, vợ chồng tôi lại không ưng. Khi được môi giới dẫn đi xem một căn nhà 2,2 tỷ, chúng tôi rất thích vì vị trí của nó rất đẹp và thoáng, chứ không nằm trong ngõ hẻm như những căn từng xem. Điều chúng tôi lăn tăn nhất là giá cả. Bởi vay mượn trên 50% giá trị căn nhà để mua nhà giữa thời Covid-19 thực sự là một “canh bạc” liều lĩnh.
Qua tìm hiểu lãi suất cho vay các ngân hàng, vợ chồng tôi thấy chính sách cho vay mua nhà trong mùa dịch rất ưu đãi. Người thân hai bên nội ngoại cũng động viên “của cố là của được”, tìm được căn nhà ưng ý không dễ, nếu đợi vững tài chính mới mua thì với tình trạng giá nhà tăng từng ngày như hiện nay, sẽ rất khó để sở hữu được căn nhà của riêng mình. Mọi người cũng hứa hẹn cho vợ chồng tôi vay không lãi.
Nếu bán nhà thời điểm này thì sẽ lỗ, mà cố giữ thì lại nợ ngập đầu, cũng không thể xoay xở “vay chỗ nọ đập chỗ kia” vì giữa dịch bệnh, ai cũng khó khăn (Ảnh minh hoạ) |
Nhờ những thuận lợi như thế, vợ chồng tôi quyết định vay mượn để mua căn nhà 2,2 tỷ kia. Khoản vay bạn bè, người thân không mất lãi nên hàng tháng chúng tôi chỉ trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng khoảng hơn 7 triệu đồng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 25 triệu/tháng nên cũng vừa làm, vừa túc tắc trả nợ.
Thời điểm chúng tôi mua nhà, nước ta đã trải qua mấy đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng đều kiểm soát tốt. Công việc của vợ chồng tôi không bị ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, căn nhà mua mới được nửa năm thì đợt dịch lần thứ 4 bùng phát diện rộng, hai vợ chồng tôi đều làm việc ở nhà. Cả công ty nơi chồng tôi và tôi làm việc sau mấy lần “gồng gánh” từ các đợt dịch trước nay cũng đã “ngấm đòn nặng” và kiệt quệ, 2 tháng nay đã giảm lương 50% tất cả nhân viên, trực chờ bờ vực phá sản.
Thu nhập giảm trầm trọng nhưng khoản nợ ngân hàng vẫn phải trả gốc và lãi đều. Chi phí sinh hoạt mùa dịch cũng tăng cao hơn ngày thường do nhiều mặt hàng tăng giá, vợ chồng tôi thực sự “điên đầu” mỗi khi nghĩ đến bài toán tài chính. Chúng tôi còn không dám nghĩ tới tình cảnh nếu sắp tới cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp, hoàn toàn không có thu nhập thì mọi thứ còn tệ hại đến mức nào.
Chưa hết, khoản vay bạn bè người thân chúng tôi vốn nghĩ rằng sẽ túc tắc trả nhưng do tình hình dịch bệnh, một số người cũng bí bách, không có thu nhập hoặc kinh doanh khó khăn nên đánh tiếng với vợ chồng tôi để đòi lại khoản đã cho vay. Chuyện tiền nong khiến không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, hai vợ chồng luôn trong trạng thái thấp thỏm.
Hiện chúng tôi đang tính tới phương án bán nhà. Tuy nhiên, qua khảo sát trên các trang web mua bán bất động sản, thì sau nửa năm, giá nhà đất khu vực chúng tôi mua vẫn chưa kịp tăng giá. Điện thoại hỏi han một số môi giới thì chúng tôi được biết, giao dịch mua bán nhà trong đợt dịch không nhiều vì Hà Nội đang giãn cách nên cũng không thể dẫn khách đến xem. Bên cạnh đó, do dịch bệnh nhiều người kinh doanh thua lỗ cũng phải bán nhà, dẫn tới số người muốn bán thì nhiều, lượng người mua lại ít ỏi.
Những ngày tháng này vợ chồng tôi đầu óc rối như tơ vò, bởi theo tình hình trên, nếu bán nhà thời điểm này thì sẽ lỗ, mà cố giữ thì lại nợ ngập đầu, cũng không thể xoay xở “vay chỗ nọ đập chỗ kia” vì giữa dịch bệnh, ai cũng khó khăn như ai.
Ngẫm lại thì thấy chúng tôi đã quá liều lĩnh khi đưa ra quyết định mua nhà khi “nền móng” là số tiền sẵn có ít ỏi nhưng lại với căn nhà có tài chính quá cao. Chúng tôi đã tự “ru ngủ” nhau, bỏ qua các yếu tố khách quan có thể xảy đến bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của bản thân, như hiện nay chính là dịch bệnh. Sự vội vã và liều lĩnh ấy đã khiến vợ chồng tôi giờ đây phải trả giá, rơi vào tình cảnh sống trong căn nhà của mình mà ngỡ như ngồi trong đống lửa, ở không được, bán không xong.
Kiến nghị giảm 2% lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2% một năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn. Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp địa ốc được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Đối với người mua nhà, cần có chính sách tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội. |
Theo Châu An (Hà Nội)/Vietnamnet.vn