Thứ bảy 21/12/2024 19:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Liên tiếp xảy ra động đất tại các tỉnh Tây Nguyên

11:01 | 29/07/2024

(Xây dựng) - Ngày 28/7, tại huyện Kon Plông, Kon Tum đã ghi nhận liên tiếp 4 trận động đất. Đặc biệt, một trong số đó có độ lớn lên tới 5.0 độ, gây ra rung lắc mạnh tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Liên tiếp xảy ra động đất tại các tỉnh Tây Nguyên
Huyện Kon Plông - nơi xảy ra nhiều trận động đất.

Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, 4 trận động đất này đã xảy ra lần lượt vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Cụ thể, lúc 3h12'14", một trận động đất có độ lớn 3.4 được ghi nhận tại tọa độ 14.879 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông. Tiếp theo, vào lúc 8h35'29", một trận động đất khác với độ lớn 3.3 đã xảy ra.

Trận động đất thứ 3 với độ lớn 4.1 xảy ra vào lúc 11h17'46" tại tọa độ 14.851 độ vĩ Bắc, 108.327 độ kinh Đông, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,3km. Đặc biệt, trận động đất mạnh nhất xảy ra vào lúc 11h35'10", có độ lớn 5.0, tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Các trận động đất này đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, và được xếp vào cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Chiều 28/7, đại diện UBND huyện Kon Plông cho biết, trận động đất mạnh 5.0 độ đã gây nứt một số công trình trên địa bàn huyện, bao gồm các trường học, trụ sở y tế và công an. Điểm trường THCS ở xã Đăk Ring và Trạm Y tế xã Đăk Ring đều bị rạn nứt nghiêm trọng. Các công trình này được xây dựng lần lượt vào năm 2012 và 2013. Bên cạnh đó, điểm trường mầm non và phòng làm việc Công an xã Đăk Nên cũng xuất hiện các vết nứt nhỏ sau các trận động đất.

Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: "Nhiều tháng nay, xã liên tục chịu ảnh hưởng của các trận động đất nên xuất hiện nhiều vết nứt. Trận động đất 5.0 độ đã khiến các vết nứt này trở nên nghiêm trọng hơn. UBND xã đã thông báo và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn”.

UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự khẩn trương xuống địa bàn để nắm tình hình, đánh giá thiệt hại và có phương án khắc phục kịp thời. UBND các xã, thị trấn cũng đã triển khai biện pháp ứng phó với động đất và động viên nhân dân ổn định cuộc sống.

Mặc dù trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, nhưng ảnh hưởng của nó đã lan rộng đến tận huyện Krông Pa, Gia Lai, cách đó khoảng 200km. Ông Nguyễn Thế Sử, một người dân tại huyện Krông Pa cho biết: "Khi đang ở trong nhà, mọi người bỗng cảm nhận được rung lắc lớn và hô nhau chạy ra ngoài. Sau khi quay lại, chúng tôi thấy tường nhà có hai vết nứt lớn, rộng khoảng 10cm”.

UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị Viện Vật lý Địa cầu sớm nghiên cứu và đánh giá kỹ các trận động đất tại huyện Kon Plông để có biện pháp cảnh báo và ứng phó hiệu quả. Đây là lần đầu tiên huyện Kon Plông phải đối mặt với trận động đất có độ lớn đến vậy. Kinh nghiệm từ các trận động đất trước đó đã giúp huyện triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nhờ đó mà thiệt hại được giảm thiểu. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát thiệt hại và thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả do động đất gây ra.

Bá Tứ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load