(Xây dựng) - Nhân kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); ngày 27/4/2021, tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Miền Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh), CLB Trái tim người lính Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam và cuốn sách cùng tên.
Sách “Trái tim người lính Phương Nam” là một tác phẩm chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa. |
Bằng tôn chỉ, mục đích: Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân, trong thời gian qua, câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể để “truyền lửa” cho các cựu chiến binh và thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Thông qua các sự kiện “Gặp mặt đồng đội” cảm động và thiêng liêng, đã kết nối các cựu chiến binh nhiều thế hệ với tinh thần “từ trái tim đến với trái tim”. Ngay từ năm 2017, nhóm đã là “hậu trường thầm lặng” thiết kế kỹ thuật, mời nhiều cơ quan có uy tín đứng tên tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến Việt Nam với lịch sử, truyền thống và văn hoá dân tộc”. Năm 2018, nhóm tiến hành biên soạn và giới thiệu cuốn sách đầu tiên “Những người đi giữ biên cương” (Nhiều tác giả). Năm 2019, nhóm lại làm nòng cốt trong việc biên soạn và giới thiệu cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) – Góc nhìn Báo chí” (Nhiều tác giả). Đặc biệt tháng 7/2020, câu lạc bộ đã phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo và ấn hành bộ sách đồ sộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam” dày hơn 4.000 trang khổ lớn. Tháng 12 cùng năm đã chính thức ra mắt “Trái tim người lính Việt Nam” và cuốn sách cùng tên… Tất cả những hoạt động đó, đều nhận được sự đồng cảm, ủng hộ và gây tiếng vang trong dư luận báo chí cả nước.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng “Trái tim Người lính Việt Nam” tự nguyện làm một nhịp cầu tin cậy để “góp phần tiếp lửa truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa những người lính nhiều thế hệ với tuổi trẻ hôm nay”. Đặc biệt, từ năm 2020, “Trái tim người lính” bắt đầu công khai giới thiệu và quảng bá cho Logo biểu tượng nhận diện: hình hoạ là 2 trái tim lồng vào nhau, với 2 màu chủ đạo là màu đỏ của máu và màu xanh áo lính. Ngoài tên tiếng Việt, còn có dòng tiếng Anh (Soldier's Heart Club) nhằm “kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía” đến Việt Nam từ khắp thế giới. Trước đây, họ có thể là kẻ thù, nhưng nay họ đã là bạn và là đối tác của chúng ta. Hiện nay, logo nhận diện thương hiệu đó đã được đưa vào trong con dấu pháp nhân của “Trái tim Người lính”.
Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng (mặc quân phục đứng giữa) người sáng lập và Chủ tịch Hội đồng điều hành “Trái tim người lính Việt Nam”. |
Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, người sáng lập và Chủ tịch Hội đồng điều hành “Trái tim người lính Việt Nam” cho biết: Là một tổ chức câu lạc bộ, nhưng “Trái tim người lính Việt Nam” có pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam là đơn vị cấp tỉnh thành đặc thù đầu tiên trên cả nước được thành lập, hoạt động theo Điều lệ của câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam và nhận được sự bảo trợ truyền thông của “Trái tim người lính” – Diễn đàn có hơn 100.000 thành viên, có mặt ở khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Làm được điều này, đòi hỏi tâm huyết, công sức rất lớn của Ban vận động thành lập câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam, của nhà báo Lê Lành và các cộng sự.
Việc tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Trái tim người lính Phương Nam” là một món quà thiết thực nhân kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước (1975 – 2021) đồng thời ra mắt câu lạc bộ cùng tên.
Với hơn 30 bài viết của hơn 30 tác giả, “Trái tim người lính Phương Nam” chỉ là một cuốn sách nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn mà những người thực hiện mong muốn chuyển tải đến bạn đọc: Chúng ta không bao giờ được phép lãng quên những người lính đã hi sinh tuổi thanh xuân, cống hiến xương máu cho hoà bình hôm nay!
Các tác giả tham gia viết bài cho cuốn sách “Trái tim người lính Phương Nam” không chỉ có các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, mà còn có cả các tướng lĩnh, sĩ quan và các cựu chiến binh. Chúng ta sẽ gặp lại chân dung nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều nhân vật từng mặc áo lính, cầm súng trực tiếp chiến đấu. Nhưng cũng có nhữngngười lính nhưng không trực tiếp cầm súng, họ lấy áo dài làm quân phục. Họ là những văn nghệ sĩ, đã sử dụng năng khiếu, tài năng “trời cho” của mình để phục vụ sự nghiệp Cách mạng, như một vũ khí chiến đấu. Họ còn là những chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt và tù đày; đã vượt qua cái chết và chiến thắng trở về…
Nội dung các tác phẩm có trong “Trái tim người lính Phương Nam” cũng không chỉ nói đến các sự kiện, nhân vật lịch sử, mà còn quan tâm đến vấn đề của hậu chiến vấn đề hoà hợp dân tộc giữa những người lính từ nhiều phía. Đặc biệt, nửa cuối sách này là một số tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu đi qua chiến tranh” do câu lạc bộ Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong 3 năm (2020 – 2022). Trong đó, có những bài viết mà tác giả từng là những người lính một thời bên kia chiến tuyến, kể lại những chuyện tình yêu, tình người, đi qua chiến tranh, hết sức cảm động và nhân văn.
Nhóm tuyển chọn Lê Lành – Vũ Khánh – Xuân Hải đã nỗ lực làm việc, hoàn thành bản thảo cuốn sách này trong thời gian rất ngắn; đồng thời, tích cực vận động kinh phí cho việc ấn hành và tổ chức sự kiện chính thức ra mắt câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam vào đúng dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021).
Việc tổ chức bản thảo cuốn sách “Trái tim Người lính Phương Nam” đã nhận được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của nhiều người, phải kể đến: PTS.TS Hà Minh Hồng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh); Đại tá, nhà văn, Đào Văn Sử (nguyên Trưởng Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh); bà Huỳnh Ngọc Vân (Phó Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh); Nhà văn Hoài Hương (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều đồng chí trong Ban Liên lạc các Chiến sĩ Cách mạng bị bắt và tù đày, đã tạo điều kiện cho các tác giả gặp gỡ nhân chứng, tiếp cận tư liệu viết bài…
Tủ sách “Trái tim Người lính” sẽ còn được tiếp tục tổ chức và ấn hành những tập tiếp theo bằng kinh phí xã hội hoá. Đây cũng sẽ là dịp để các cựu chiến binh, những người lính nhiều thế hệ, đến từ nhiều phía, tổ chức những sự kiện “Gặp mặt đồng đội”, diễn ra thường niên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hội đồng điều hành câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của độc giả gần xa; sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông và mạng xã hội, để những tập sách “Trái tim Người lính” sẽ phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.
Hạ Ly
Theo