(Xây dựng) - Sáng 20/9, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa), nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do Lê Lợi lãnh đạo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2019. Lễ hội cũng là dịp kỷ niệm 601 năm khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược và 586 năm, ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Màn múa rồng đầy tính thượng võ tại Lễ hội.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra trong 3 ngày, từ 19 -21/9 (tức ngày 21 - 23/8 năm Kỷ Hợi). Ngoài phần Lễ được tổ chức trang trọng, quy mô, gồm: Lễ khai đền, Lễ khai mạc và Lễ tạ với các màn đánh trống trận, rước cờ, rước kiệu... được thực hiện theo nghi thức cổ truyền còn lưu giữ từ thời Lê. Thì phần hội năm nay có nét mới nhằm đưa Lễ hội gần gũi với công chúng hơn.
Cùng với đó giới thiệu nhiều hơn với khách thập phương về bản sắc văn hóa dân gian, con người xứ Thanh. Đó là giảm thiểu sân khấu hóa, tăng thêm các trò múa, hát dân gian, dân vũ, nhất là trò diễn xuân Phả, dân ca Đông Anh, các điệu múa Pồn Puông, múa sạp, đánh Mảng... Ngoài ra, về với Lễ hội, du khách còn có dịp thưởng thức các sản vật địa phương như: Bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, nem nướng Thọ xuân, bưởi đỏ tiến Vua…
Lễ hội vẫn thu hút hàng vạn du khách tham dự.
Cũng như mọi kỳ Lễ hội, Lễ hội Lam Kinh năm nay sẽ có các hoạt động chính được tổ chức ở một số địa điểm (ngoài Khu di tích Lam Kinh) như: Khu Lăng mộ Vua Lê Thái Tổ, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Thái miếu Nhà Lê, tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa).
Lễ hội là dịp tôn vinh, ghi nhớ công lao đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các nghĩa sỹ Lam Sơn. Qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đào Nguyên
Theo